Cơ hội rộng mở
Nhật Bản đang chuẩn bị các công trình cho việc tổ chức Olympic 2020 nên cần tuyển rất nhiều lao động, và đó là cơ hội cho NLĐ Việt Nam được tu nghiệp tại nước này. Thời gian làm việc, mức thu nhập cũng được cải thiện hơn. Đặc biệt, TPHCM sẵn sàng hỗ trợ chi phí (vay tín chấp 100 triệu đồng) đi tu nghiệp đối với NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… Nhiều công việc hấp dẫn được giới thiệu tới NLĐ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thường ưu tiên tuyển dụng người đã tu nghiệp ở Nhật. Ảnh: MẠNH HÒA
Công ty Esuhai đang cần tuyển 35 nam để lắp đặt cốt thép công trình với thu nhập 33 triệu đồng/tháng, tích lũy khoảng 600 - 800 triệu đồng sau 3 - 5 năm làm việc tại Nhật. Ở phân khúc lao động có trình độ, công ty này đang tuyển dụng 55 lao động nam tốt nghiệp cấp 3, trung cấp, cao đẳng, đại học để làm việc trong lĩnh vực sản xuất và gia công, lắp ráp linh kiện ô tô. Tu nghiệp sinh có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Trong tháng 6-2018, tại TPHCM, Esuhai cũng khai giảng 4 lớp dự bị kỹ sư với 96 học viên tham gia. Tất cả học viên đều là những kỹ sư tốt nghiệp các ngành kỹ thuật như cơ khí, thiết kế máy, ô tô, xây dựng, cơ - điện tử, tự động hóa, điện - điện tử của các trường đại học. NLĐ được bảo đảm có việc làm tại Nhật Bản sau một năm đào tạo, nếu có ý thức thái độ và học tiếng Nhật tốt.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty Haindeco, cho biết cùng với gia tăng nhu cầu tuyển lao động ngành xây dựng, nội thất, cầu đường phục vụ cho Olympic, Nhật Bản còn cần tuyển nhiều lao động nữ làm giặt ủi, dịch vụ khách sạn, resort, chăm sóc sức khỏe… Không chỉ mở rộng ngành nghề làm việc, từ một năm trở lại đây, Chính phủ Nhật đã mở rộng thời hạn thực tập từ 3 năm lên 5 năm. Mức lương cũng được cải thiện. Trong 3 năm đầu tiên, tu nghiệp sinh nhận mức lương theo mức cơ sở của Nhật. Nhưng từ năm thứ 4 - 5, tu nghiệp sinh được trả lương theo diện lao động lành nghề và được tự đàm phán, thỏa thuận lương với DN.
Theo ông Võ Anh Tuấn, các DN xuất khẩu lao động giờ đây phải đến từng quận, huyện, trường học, trung tâm dịch vụ việc làm của TPHCM, của tỉnh, thành để đặt nguồn tuyển dụng, mời NLĐ đi Nhật làm việc. Tại Haindeco, công ty còn đào tạo đầu vào miễn phí. NLĐ được học miễn phí, khi nào trúng tuyển, được phía DN Nhật Bản chọn, thì NLĐ mới phải trả phí đào tạo.
Ông Võ Anh Tuấn đánh giá, cơ hội của NLĐ là rất nhiều và NLĐ đã có quyền lựa chọn nơi nào có chi phí rẻ, công việc tốt thì đi. Việc tuyển nguồn lao động trực tiếp qua quận, huyện, trường học, trung tâm dịch vụ việc làm với trình độ NLĐ được chuẩn hóa, nên khi đi tu nghiệp, ý thức tuân thủ chính sách pháp luật cũng tốt hơn.
An tâm về nước
Khác với việc xuất khẩu lao động tới các thị trường khác, đưa NLĐ đi tu nghiệp tại Nhật là chương trình chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chứ không đơn thuần là xuất khẩu lao động. Thời gian tại Nhật, NLĐ được cọ xát, được trau dồi nghề nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp, là cơ hội để NLĐ phát triển sự nghiệp lâu dài khi về nước. Với các ưu thế tích lũy về tài chính, về kinh nghiệm, kỹ năng, thực tập sinh ở Nhật Bản khi về nước có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, dễ dàng kiếm được việc làm phù hợp tại các DN Nhật đầu tư ở Việt Nam.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn, năm qua, Việt Nam xuất khẩu 134.000 lao động ra nước ngoài thì có tới 65% sang Nhật Bản. 3 năm gần đây, TPHCM có khoảng 45.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có 27.000 người sang Nhật. Dù biết rằng thị trường này rất khắt khe trong vấn đề chất lượng lao động, nhưng NLĐ Việt Nam rất thích sang Nhật Bản. Vì sau đó, khi về nước, họ có thể tìm được việc làm ngay. TPHCM đang có 70 DN Nhật Bản đầu tư.
Vì thế, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ có chương trình kết nối với những DN tại Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại TPHCM; đặc biệt là tuyển dụng lao động ngành nông nghiệp công nghệ cao để phù hợp với TPHCM và lao động trong lĩnh vực du lịch, cơ khí, da giày, may mặc - phù hợp với những DN Nhật Bản đang đầu tư tại TPHCM.
Sở LĐTB-XH cũng tham mưu, đề xuất UBND TPHCM về chương trình đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật cho giáo viên dạy nghề trong các trường nghề, giáo viên dạy tiếng Nhật cho các trường tại Việt Nam, qua đó trang bị đầy đủ “hành lý” cho học viên để họ đủ điều kiện qua thị trường của Nhật. Đồng thời, sở phối hợp với DN rà soát, tổng hợp danh sách NLĐ về nước theo từng thời điểm để triển khai kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm. Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt chú trọng đến các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà NLĐ đã từng làm việc ở nước ngoài để giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Vieclam Japan vừa tổ chức kết nối hàng trăm nhân sự các ngành nghề biên dịch, phiên dịch, IT, trợ lý, quản lý sản xuất, cơ khí, trưởng chuyền, cải tiến sản xuất… cho các DN Nhật Bản tại TPHCM và khu vực lân cận. Trong đó, các DN luôn ưu tiên người từng tu nghiệp tại Nhật Bản. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), Nhật Bản là một trong hơn 40 thị trường xuất khẩu lao động mà NLĐ trở về có khả năng kiếm việc làm với thu nhập và chất lượng công việc cao nhất.