Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tới Việt Nam vào ngày 12-11 đã thu hút được sự quan tâm sát sao của dư luận trong nước và quốc tế. Trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Putin đã có bài viết khẳng định tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước đã được minh chứng, thử thách qua thời gian, dù có những biến đổi to lớn trên trường quốc tế.
Từ lâu, trong tâm trí của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn có một vị trí hết sức đặc biệt. Những giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Liên Xô và tiếp sau đó là Nga đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Uống nước nhớ nguồn” được Tổng thống Putin nhắc đến cũng là truyền thống và đạo lý mà nhân dân Việt Nam luôn khắc cốt ghi tâm. Trên cơ sở đó, niềm tin đó, sự kiện Tổng thống Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam chắc chắn sẽ mở ra thời khắc lịch sử mới trong tiến trình hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Việc Tổng thống Putin chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ông tới thăm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi trở lại Điện Kremlin một lần nữa chứng minh mối quan hệ đối tác truyền thống giữa hai nước ngày càng được lãnh đạo cấp cao hai bên hết sức quan tâm vun đắp.
Trước đó trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10-2010, Tổng thống D. Medvedev đã nhiều lần khẳng định: “Quan hệ Việt - Nga là mối quan hệ bền chặt, dựa vào lòng tin cậy cao và đã được lịch sử kiểm chứng. Tăng cường hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương luôn là ưu tiên hàng đầu của Nga. Nga sẽ không bao giờ rời bỏ Đông Nam Á. Chúng tôi khẳng định sẽ mãi là bạn tốt, là đối tác tin cậy của Việt Nam”. Các chuyến thăm thường niên của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta tới Liên bang Nga cũng là sự khẳng định chắc chắn và một niềm tin to lớn vào mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á, với truyền thống hữu nghị hợp tác có lịch sử bền chặt giữa hai nước, việc Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và Liên bang Nga cũng tăng cường thực hiện chính sách “hướng Đông” là những cơ sở hết sức quan trọng cho hai nước thực hiện thành công mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Thực tế cho thấy những lĩnh vực hợp tác Việt - Nga còn vô cùng rộng lớn, trên tất cả các mặt: chính trị, an ninh - quốc phòng, thương mại - đầu tư, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục…
Theo Tổng thống Putin, trong năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20%, đạt 3,66 tỷ USD. Kế hoạch chung là đưa con số này lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Việc ký kết hiệp định khu vực tự do thương mại (FTA) giữa các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam sẽ trực tiếp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu này. Hàng loạt các dự án hợp tác đầu tư giữa hai nước trên lĩnh vực năng lượng, dầu khí, an ninh quốc phòng đang được xem là lá cờ đầu trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Và như lời của Tổng thống Putin: “Khó có thể tìm được lĩnh vực hoạt động nào mà Nga và Việt Nam không phát triển hợp tác hiệu quả”. Tất cả những cơ sở đó cho thấy rằng mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nữa.
Nhìn rộng ra, sự tăng cường hiện diện của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy và duy trì môi trường ổn định, hòa bình và hợp tác trong khu vực. Dư luận Việt Nam, Liên bang Nga và quốc tế cũng hết sức quan tâm đến chủ trương tăng cường hợp tác của Nga với các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có một vị trí địa chiến lược quan trọng đã không ít lần được các nhà lãnh đạo cao cấp của Nga khẳng định.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của “đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước mà còn như một thông điệp rõ ràng về chủ trương tăng cường hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương của Nga, đồng thời mở ra một trang sử mới, lực đẩy mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Nga ngày càng bền chặt.
THÀNH NAM