Ba phần của tập thơ rất giản dị và rõ ràng. Phần 1: Dưới tán rừng già – là phần của khói lửa chiến tranh với những cánh rừng, cơn sốt rét, căn nhà ở cứ… Phần 2 là thơ sau chiến tranh với những sinh sôi từ vết thương. Phần này ghi lại ký ức chiến tranh đẵm sâu hơn với “những cánh rừng thức dậy”, một bữa cơm thường, khối bếp chiều ở bản, tiếng quê hương sâu lắng… nay mọi thứ mọc lại từ vết thương đau và thấy rõ giá của những hy sinh. Phần 3 của tập thơ như một người dừng lại suy tư với “Những tứ thơ bất chợt”. Ba phần là ba hiện thực và ba mức độ cảm xúc khác biệt như ba góc nhìn về giá trị của cuộc đời, về thái độ sống.
Tập thơ “Gió vẫn thổi về từ biển” của Lê Quang Trang (NXB Văn học 2009) là trải dài một số bài được chọn lại trong 40 năm với rung động thi sĩ tràn đầy.
Thơ của Quang Trang nhân hậu - anh nói “với cô bảo mẫu: chị đừng băn khoăn sao tóc cháu vàng hoe - sao mắt cháu lại xanh chị nhé! Chị hãy vui nhận cháu vào nhà trẻ - để cháu được hát ca với bạn bè”.
Chiến tranh khốc liệt đầy những bụi tầm vông những chòm lồng mứt “lớn lên từ mưa dập bão qua - những cánh rừng tăng cử năm xưa - mưa nắng nhuốm thân mặt gỗ”, người cha gửi quà cho con, chẳng có gì, anh “gửi cho con cây đèn làm bằng vỏ M.79 - cái quả đạn bắn cha bị thương ngày đầu cha đi kháng chiến”- chiến tranh trong anh thật nặng tình, cha con, người yêu nhau, đồng đội, gương mặt người dân…
Thơ viết về cuộc đời qua mắt Lê Quang Trang, người từng là phóng viên chiến trường, như cố ghìm lại cái đau để trào dâng lên tình yêu thương da diết, vì thế nó nhân ái và đầy bất ngờ, làm ta xúc động. Anh tâm sự: “Tôi muốn nói cho cùng, là người dân hy sinh quá lớn, trong sự cưu mang ấy mà ta mới sống được, phải có lòng biết ơn”.
Lê Quang Trang từ miền Bắc vào chiến trường làm phóng viên chiến tranh, nghiên cứu vùng đô thị. Anh làm việc ở Văn nghệ giải phóng và xin đi cắm xuống sâu thực tế ở vùng khốc liệt nhất, vùng tam giác sắt Củ Chi, Trảng Bàng. “Đây là nơi có thể vào Sài Gòn chỉ qua cánh đồng, bờ ruộng, con kênh. Vì vậy cái vùng gần gũi mà bị chà sát khốc liệt ấy thử thách con người ghê gớm” anh tâm sự. Anh muốn nói suy nghĩ về chiến tranh và con người trong những thời điểm cảm xúc khác nhau.
Hỏi anh suy nghĩ gì khi vừa nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Lê Quang Trang trăn trở: “Tôi đã từng gắn bó với mảnh đất Nam bộ, sinh ra ở Kinh Bắc nhưng tâm hồn tôi giàu có nhờ nước mát sông Cửu Long. Tôi muốn góp phần tác động đến sáng tạo văn học ở vùng đất này. Tôi biết là khó - nhưng hy vọng kết hợp được với các nhà văn nhiều tâm huyết. Tôi không đặt nặng địa phương địa bàn nhưng lấy thực tế từ thành phố năng động sôi sục, hiện thực ấy được phản ánh qua những tài năng là rất tốt”.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI