“Để mũ bảo hiểm trở thành bạn đồng hành”

Tập thói quen đội mũ bảo hiểm

Tập thói quen đội mũ bảo hiểm

Từ lâu rồi tôi muốn viết một cái gì đó để góp thêm một tiếng nói cùng với xã hội làm giảm bớt con số hơn chục ngàn người chết mỗi năm do tai nạn giao thông.

Nay nhân có cuộc thi “Để mũ bảo hiểm trở thành bạn đồng hành” của Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi coi đó là một chủ đề để tham gia chứ không nhằm mục đích giành giải thưởng. Theo tôi, việc trong xã hội có người đồng tình, người phản đối chủ trương đội mũ bảo hiểm (MBH) là do người Việt Nam chưa có thói quen đội MBH, vấn đề là làm sao để tập cho mình thói quen đó khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy 2 bánh.

Tập thói quen đội mũ bảo hiểm ảnh 1

Chúng ta đã biết, trong cuộc sống người ta có thể tạo ra được những thói quen tốt. Cho nên, theo tôi vấn đề là ta nên tập cho mình thói quen đội MBH. Riêng tôi vì thường hay sử dụng xe máy cùng vợ rong ruổi trên những con đường dài vào những dịp nghỉ hè từ Đà Lạt đi Đà Nẵng, Huế hoặc TPHCM, Cần Thơ… có ngày đi từ Nha Trang ra đến Đà Nẵng (hơn 600 cây số).

Còn nhớ, vào cuối thập niên 90, những con đường đó vẫn còn đầy “ổ gà”, “ổ voi”. Chiếc Magic tôi đi đến nay đã tròn 10 năm và được hơn 90.000 km, may mắn là chưa lần nào gặp tai nạn. Năm 1998, chị tôi là một Việt kiều ở Mỹ về, đã khuyến khích tôi nên mua và đội MBH khi đi xe máy.

Từ trước đến nay tôi chưa hề đội MBH và cũng chẳng có ai khuyên tôi điều đó, luật pháp cũng không bắt buộc nhưng nghe lời chị, tôi tự mua một cái và sử dụng từ đó đến nay. Sử dụng mãi thành thói quen nên mỗi khi không đội MBH là tôi cảm thấy rất khó chịu, đơn giản là nhờ cái kính chắn gió nên một vật dù nhỏ nhất trong không khí va đập vào mắt cũng tránh được cho mình tai họa, nhất là khi trời mưa, nếu không có MBH, khi chạy xe luôn phải nheo mắt thì không thể xử lý kịp các tình huống đột xuất trên đường.

Vậy bạn hãy đội MBH từ hôm nay đi! Không tập thì làm sao quen được? Tôi chắc rằng, sau một thời gian bạn sẽ quen với việc đội MBH và đến một lúc nào đó khi đi xe máy mà không có nó, bạn sẽ cảm thấy khó chịu.  

Lê Văn Công (Đà Lạt)

Tin cùng chuyên mục