Những nơi đang trong tình trạng giãn cách xã hội hoặc chưa đảm bảo an toàn sẽ có kế hoạch tổ chức thi riêng. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh khối lớp 12, nhất là những nơi nguy cơ cao về dịch bệnh, bộ chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng có phương án xét tuyển phù hợp.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Đề thi đã được giao về các địa phương in sao. Phần mềm chấm thi, công tác tập huấn cán bộ coi thi đã sẵn sàng triển khai theo đúng kế hoạch.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp nên ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn, nghiêm túc về chuyên môn, các địa phương còn lưu ý đảm bảo an toàn về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia. “Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Vì thế, Bộ GD-ĐT quyết định địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch, tức ngày 9 và 10-8. Thí sinh ở địa phương cách ly xã hội hoặc thuộc diện F1 (phải cách ly tập trung), F2 (tiếp xúc F1), bộ sẽ tổ chức thi sau.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GD-ĐT thực hiện theo đúng Luật Giáo dục, tức bộ trưởng quyết định kỳ thi, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Các đơn vị phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phục vụ kỳ thi tốt nghiệp, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đến nay, toàn bộ lực lượng in sao đề thi gồm 72 người đã được kê khai y tế và xét nghiệm Covid-19, đảm bảo không thuộc diện F0 - F4 và có tình trạng sức khỏe tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ. TPHCM còn huy động 12.006 cán bộ coi thi và 2.070 cán bộ chấm thi (chưa tính lực lượng công an, nhân viên phục vụ, hỗ trợ…). Tổng số 14.627 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi đều được yêu cầu kê khai y tế. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi trong bối cảnh phòng ngừa dịch bệnh, hơn 74.000 thí sinh cũng được yêu cầu kê khai y tế, làm cơ sở sàng lọc, phân loại thí sinh. Dự kiến từ nay đến trước khi diễn ra ngày thi đầu tiên, Sở GD-ĐT TP sẽ yêu cầu các trường cập nhật thường xuyên, rà soát tình trạng sức khỏe thí sinh để có phương án tổ chức thi phù hợp.
Tuy nhiên, dư luận vẫn lo lắng trong trường hợp phát hiện thí sinh có biểu hiện ho, sốt và các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, liệu có ảnh hưởng đến quá trình thi của các thí sinh cũng như tổ chức tại điểm thi. Giải tỏa lo lắng này, hiện các điểm thi đã ưu tiên bố trí 1 - 2 phòng cách ly và các phòng thi dự phòng đề phòng trường hợp phát hiện thí sinh ho sốt. Một số trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh phòng ốc chuẩn bị bàn giao cho điểm thi. Ngành GD-ĐT cũng phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương tổ chức các phương án giải tỏa nhanh thí sinh và phụ huynh sau khi kết thúc giờ làm bài, đảm bảo không tập trung đông người tại cùng thời điểm. Như vậy, có thể thấy không riêng gì ngành giáo dục mà tất cả đơn vị liên quan như y tế, công an đã và đang dốc toàn lực tham gia hỗ trợ kỳ thi. Đây được xem là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của TPHCM cũng như các tỉnh trong việc đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, đúng quy chế.
Theo một kết quả khảo sát công bố cuối tháng 6-2020 được tiến hành tại 118 quốc gia do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, các nước trên thế giới hiện có 4 lựa chọn khác nhau về tổ chức các kỳ thi để thích ứng trước sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, một là chuyển từ hình thức thi trực tiếp sang thi online; hai là dời ngày thi đến thời điểm dịch tạm lắng; ba là tiếp tục kỳ thi như kế hoạch trong khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; bốn là hủy luôn các kỳ thi, dùng những căn cứ khác để đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, phương án tổ chức nào cũng tồn tại mặt trái và khả năng phát sinh tình huống trong thực tiễn. Vì vậy, có thể nói trong tình hình hiện nay, khi mọi công tác chuẩn bị đã gần như hoàn tất, phụ huynh và học sinh có thể tin tưởng vào một kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, nghiêm túc, trong đó chất lượng thi cử không chỉ đánh giá qua những con số kết quả mà bằng cả sự quyết tâm, sự tập trung cao độ của các bộ, ngành nhằm đem lại một kỳ thi công bằng, mở ra cơ hội học tập lâu dài cho tất cả học sinh.