1- Vào một ngày giáp tết, đứa em út của tôi ở dưới quê gọi điện rủ nhân dịp vào những ngày giẫy mộ ông bà cuối năm, anh em tát đìa ăn tết, khôi phục lại truyền thống xưa của quê nhà. Cái đìa của ba má tôi ngày xưa đào ngoài bìa ruộng, từ lâu đã bỏ phế.
Đêm đó, tôi cứ trằn trọc, hình ảnh tát đìa ăn tết thuở chúng tôi còn đi học, lần lượt hiện ra như tiếng vọng từ quá khứ cuồn cuộn tuôn về. Ngày đó vui lắm, khi nước dưới sông đã chảy ròng, dù 2 - 3 giờ khuya, ba má tôi cũng phải ra ruộng để be bờ tát đìa cho kịp con nước. Dẫu cực nhọc nhưng ai cũng vui vẻ, vì tết này sẽ có cá rộng đầy lu, có cá đãi khách trong ba ngày tết. Vui nhất khi đìa đã tát cạn, cá tôm lộ ra dưới đáy đầy nghẹt. Bà con xóm trong xóm ngoài, kẻ xách thùng, người mang thúng, ngồi vây quanh đìa chờ đến lượt xuống “bắt hôi”. Khi những người chủ đìa dàn hàng ngang đi trước bắt cá, những người “bắt hôi” đi phía sau, có khi những người “bắt hôi” có được con cá lóc thật to. Đó là tình làng nghĩa xóm, chia ngọt sẻ bùi có nhau, mọi người cùng có cá ăn tết. Trước tết ai cũng ra ruộng cắt một mớ rơm để sẵn sau hè, mỗi khi có khách đến chơi, là y như rằng ra lu bắt cá lóc, đốt rơm nướng trui thơm lừng trong gió tết. Rồi sẵn lửa rơm đang cháy đỏ phừng, đem nướng mấy cái bánh tráng, bánh phồng mì, phồng nếp cho các bà, các chị dùng. Bánh tráng, bánh phồng cũng là quà mừng tuổi các cháu trong mấy ngày tết.
Tát đìa. Tranh minh họa: Họa sĩ NGUYỄN NAM
2- Nhắc đến việc nướng bánh phồng, tôi càng nhớ da diết những ánh lửa rơm cháy sáng rực trong đêm khuya. Nhà nào cũng vậy, ai nấy cũng hối hả nổi lửa nướng bánh tráng để kịp giờ cúng giao thừa. Mà phải bằng lửa rơm rạ mới cắt ngoài đồng về, cái bánh nướng mới có được mùi thơm ngon thật khó tả. Thuở ấy, ngoài các loại cây trái, thì bánh tráng, bánh phồng nướng và mứt gừng, mứt dừa là những món không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong đêm cúng giao thừa. Đơn sơ mà thanh cao quý trọng, vì đó chính là những món được làm ra từ những thành quả lao động nhọc nhằn trên ruộng vườn mới có được. Đêm giao thừa, dâng lên ông bà bằng cả tấm lòng của con cháu. Bởi vậy, quê tôi dạo ấy, trước ngày đưa ông Táo, từ đêm về sáng là đầu trên xóm dưới tiếng quết bánh phồng lại vang lên rộn rã. Đêm quết bánh phồng trong nhà không ai ngủ, lòng vui phơi phới. Quết bánh phồng chỉ quết chày một lần thôi, ba tôi quết, má tôi ngồi vùa. Trước sân nhà của mấy cô gái trong xóm, trên tay cầm cái ống tre bóng loáng, đó là đồ nghề để cán bánh phồng, đã tề tựu đông đảo, chờ ra tay biểu diễn cán bánh, cái nào cũng đều đặn, tròn trịa như ánh trăng rằm vành vạnh.
3- Ngày cán bánh phồng có thể nói như ngày hội thi tài khéo tay hay làm của các cô gái trong xóm. Cán bánh phồng coi vậy chứ không đơn giản chút nào. Cái bánh phải đều đặn, không được chỗ dày chỗ mỏng. Bởi vậy cô gái nào cũng chuẩn bị cho mình một ống tre thật tốt, thường là loại tre bông, dài chừng một tấc, mỏng, vừa tay. Làm xong mùa này, các cô treo lên giàn bếp cho có khói bám sẽ không bị mọt ăn, để dành xài hoài. Điều quan trọng là cô nào cán bánh khéo léo, đẹp, đó cũng là một điểm cộng để các bà khó tính chọn làm nàng dâu tương lai. Trước khi đi cán bánh, các cô săm soi, dùng chanh chùi rửa mấy ngón tay cho hết phèn (do cả năm lam lũ dưới ruộng đồng) để có dịp khoe đôi bàn tay dịu dàng, mỹ miều của mình.
Miên man nghĩ về kỷ niệm của những cái tết ngày xưa, lòng tôi chợt dâng lên bao điều tiếc nhớ. Những nét đẹp cổ truyền mà đầy ắp tính nhân văn, nét đẹp đặc trưng đó đã làm nên vốn quý của văn hóa miệt vườn. Vậy nên, chúng ta cần lưu giữ lại cho con cháu sau này biết trân trọng và bảo tồn. Đó là cái hồn, cái chất của những người nông dân vùng sông nước miền Tây và không bao giờ lỗi thời.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC