Phóng viên Báo SGGP tường thuật từ Hoàng Sa
(SGGPO).- Sau 24 giờ theo tàu Kiểm ngư Việt Nam HP 926 vượt sóng gió từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), PV SGGP là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Sau hơn 5 ngày tác nghiệp tại “điểm nóng” này, PV SGGP đã ghi nhận những hình ảnh cụ thể về hành động leo thang, hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Vật vã đến điểm nóng
Vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 117 hải lý nhưng cách cảng Tiên Sa đến 190 hải lý (hơn 350km) về hướng Đông Nam. Mặc dù giữa hè nhưng trên Biển Đông đã có gió Tây Nam nên biển động mạnh, sóng giật cấp 6, cấp 7. Vì thế, chặng đường 190 hải lý từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa là chặng vật vã không chỉ với cánh báo chí mà cả với những kiểm ngư viên. Trong đêm vượt biển đến với Hoàng Sa, sóng gió dữ dội. Chiếc tàu kiểm ngư loại lớn HP 926 cũng trở nên quá bé nhỏ giữa trùng khơi. Biển động mạnh. Tàu lắc lư như muốn úp xuống biển. Mặt biển có lúc cao hơn tàu gần cả chục mét. Không quen với sóng lớn, phần lớn phóng viên trên tàu không chịu nổi sóng dập đều phải nằm vật vã trên sàn tàu… dù giường trong khoang bỏ trống. Giữa biển khơi, chúng tôi bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài vì sóng điện thoại không có.
9 giờ 15 ngày 11-5, nhóm PV chúng tôi, những phóng viên đầu tiên của cả nước và thế giới có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương - 981 chừng 10 hải lý. Tại đây, nhóm phóng viên chia ra nhiều mũi tác nghiệp. Ngay tức khắc, “chào” tàu chúng tôi là một nhóm 11 tàu các loại của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, tàu hàng, tàu dịch vụ,…vây quanh, áp sát trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp. Trên đầu, nhiều chiến đấu cơ và máy bay do thám của Trung Quốc quần thảo. Biên đội tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại vị trí mặc cho những hành động gây hấn vây quanh.
Đối đầu, đấu trí
7 giờ ngày 12-5. Đoàn tàu 6 chiếc của Kiểm ngư Việt Nam vùng 4 do Biên đội trưởng Vũ Đức Tạo chỉ huy, điều khiển tiến gần vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đến khi cách giàn khoan chừng 7 hải lý thì xuất hiện 3 tàu Hải cảnh có vận tốc cao của Trung Quốc lao ra ngăn cản. Chỉ vài phút sau, xuất hiện thêm 7 tàu các loại gồm tàu Hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu hàng, tàu cá vỏ sắt cải trang lao về phía đội tàu Kiểm ngư Việt Nam rất quyết liệt với tốc độ cao. Khi tàu chúng tôi còn cách giàn khoan khoảng 3,8 hải lý (vị trí tiếp cận gần nhất từ lúc xảy ra vụ việc đến nay - PV), nhiều tàu của Trung Quốc tổ chức vây ráp và truy cản quyết liệt. Thậm chí, tàu hải cảnh và tàu dịch vụ của Trung Quốc di chuyển với tốc độ cao có hành động lao thẳng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. Vào lúc đó, bên mạn phải tàu HP 926, tàu Hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 37102 có tốc độ lớn, phía trước mũi có khẩu pháo đã giỡ bạt che đã vây ráp tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 769. Trên boong tàu Hải cảnh 37102 có 4 người trong trang phục rằn ri, bên ngoài mặc áo phao cầm súng bắn nước áp lực lớn bắn xối xả vào tàu KN 769 buộc KN 769 phải cắt lái thoát khỏi vòi rồng của Trung Quốc.
Sau đó, tàu Hải cảnh loại lớn 2401 áp mạn phải phía sau tàu chúng tôi, tàu HP 926, bên mạn trái là tàu hải cảnh loại tốc độ cao 37102 và cản mũi phía trước là tàu kéo màu đỏ của Trung Quốc. Cả ba tàu này đã vây ráp tàu HP 926 và đồng loạt dùng vòi rồng tấn công liên tục trong khoảng hơn 30 phút. Có lúc, đài chỉ huy tàu HP 926 bị vòi rồng của 3 tàu Trung Quốc bắn xối xả, nước phủ trắng xóa, gương chắn sóng cường lực rung lên bần bật như muốn nổ tung. Lúc vòi rồng phun vào dữ dội, chúng tôi, những phóng viên, vẫn có “niềm tin mãnh liệt” vào sức chịu đựng của tấm gương chắn sóng của đài chỉ huy để quay lại những đoạn phim về hành động hung hãn của các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Trước hành động ngang ngược và vây ráp của các tàu Hải cảnh, tàu dịch vụ của Trung Quốc, tàu Kiểm ngư Việt Nam HP 926 buộc phải dùng vòi chữa cháy đáp trả để giải vây nhưng các tàu Trung Quốc vẫn không dừng các hành động khiêu khích nói trên. Trước sự tấn công hung hãn đó, tàu Kiểm ngư Việt Nam HP 926 và các tàu cùng Biên đội tổ chức cắt lái chuyển hướng thoát khỏi vòng vây ráp của các tàu Trung Quốc.
Sau khi thoát khỏi vòng vây của tàu Trung Quốc, ông Nguyễn Cao Duy, Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư Việt Nam HP 926, bức xúc: “Chúng tôi là lực lượng thực thi luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Vừa rồi, hành động của nước ngoài là rất hung hăng và ý đồ của nó rất xảo quyệt và thâm độc. Chúng đã dùng toàn bộ những sức mạnh hiện có trên tàu để uy hiếp tàu chúng tôi. Mục tiêu chúng nhắm vào đài chỉ huy của tàu chúng tôi hòng tiêu diệt, và chúng phun vào các trang thiết bị thông tin, ống khói hòng làm tê liệt sức sống tàu. Chúng cũng dùng súng bắn nước áp lực cao bắn vào người quan sát, cảnh giới của tàu, đe dọa đến sự an toàn tính mạng của họ”.
Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo
Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy cho biết, sau hơn 1 giờ bị tàu Trung Quốc tấn công, tàu HP 926 bị thiệt hại rất lớn: chập hệ thống điện khoang 4, hỏng phao bè cứu hộ tự thổi bên mạn phải, gãy và hư hỏng hệ thống ăngten thông tin, chảo Vinasat bị đứt cáp, đứt chân, gãy đổ…
Mặc dù bị tàu Trung Quốc tấn công dữ tợn, nhưng Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy cho biết tình thần cán bộ, thuyền viên trên tàu Kiểm ngư Việt Nam rất cao, tất cả đều cùng một ý chí. “Chúng tôi quyết tâm phải đấu tranh đến cùng để Trung Quốc phải rút giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” – ông Duy khẳng định.
Trước hành động dùng vòi rồng bắn vào tàu Kiểm ngư Việt Nam HP 926 làm hư hỏng nhiều thiết bị, đứng trên boong thượng của tàu HP 926 với ngổn ngang thiết bị hư hỏng, ông Phan Đình Cát, phụ trách lực lượng Kiểm ngư vùng 4 trên thực địa, bức xúc: “Hành động của Trung Quốc rất ngang ngược và hiếu chiến, vi phạm nghiêm trọng luật pháp và công ước quốc tế về Luật biển năm 1982; vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Trung Quốc không những hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà còn có hành động gây hấn leo thang mang tính chất hết sức nghiêm trọng. Trung Quốc đã dùng vòi rồng với áp lực nước rất mạnh bắn vào tàu Kiểm ngư Việt Nam làm hư hỏng nhiều trang thiết bị thông tin, ra đa, vệ tinh Vinasat,…”.
Những ngày tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa cùng với lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, ngày nào tàu Trung Quốc cũng tổ chức truy cản quyết liệt mỗi khi tàu Kiểm ngư Việt Nam tiến gần vào giàn khoan Hải Dương - 981. Thậm chí, có khi đến giữa đêm, tàu Trung Quốc vẫn còn truy đuổi.
NGUYÊN KHÔI tường thuật từ Hoàng Sa