Tây Nguyên chuyển hướng sản xuất cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, nhưng việc sản xuất loại cây này còn thiếu bền vững, quy mô nhỏ, manh mún, chưa mang lại giá trị cao. Để nâng tầm giá trị, các tỉnh đã chuyển hướng sang các mô hình sản xuất cà phê bền vững như: cà phê cảnh quan, cà phê chất lượng cao. 
Nông dân TP Pleiku thu hoạch cà phê. Ảnh: HỮU PHÚC
Nông dân TP Pleiku thu hoạch cà phê. Ảnh: HỮU PHÚC

Vườn cà phê cảnh quan của gia đình ông Phạm Văn Thạch (xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) rộng 6ha. Gọi cà phê cảnh quan vì vườn của ông Thạch được xây dựng theo mô hình 3 tầng: tầng thứ nhất là tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây che nắng, gió để điều tiết nhiệt độ vườn; tầng trung trồng cà phê; tầng thấp nhất là thảm thực vật cỏ. Đặc biệt, vườn cà phê của ông Thạch đạt chuẩn sản xuất hữu cơ, không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật. Thay vào đó, ông sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để làm phân bón. 

“Hơn 10 năm trước, gia đình trồng thuần cà phê, nhưng năng suất không cao. Thấy nhiều nơi trồng cà phê cảnh quan, tôi cũng chuyển sang trồng và thấy mô hình này mang lại hiệu quả hơn trồng thuần. Sau đó, tôi mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông chuyên sản xuất cà phê cảnh quan. Đến nay, HTX đã có 100 thành viên tham gia. Với mô hình cà phê cảnh quan, sản lượng cà phê luôn ổn định, chất lượng cũng đảm bảo nên giá bán cao hơn giá thị trường 30%-50%. Nhờ đó, các thành viên trong HTX có thu nhập ổn định hơn so với sản xuất cà phê truyền thống trước đây”, ông Thạch nói.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, mô hình cà phê cảnh quan là hướng đi mới của nông dân tỉnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Hiện nay, hội cũng đang nhân rộng mô hình này đến các địa phương nhằm xây dựng hướng đi bền vững cho ngành cà phê của tỉnh.

Còn tỉnh Đắk Lắk thì đang tập trung chỉ đạo phát triển cà phê theo hướng bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, cà phê chất lượng cao được xem là trụ cột dẫn dắt, định hướng thị trường, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện được mục tiêu, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tiếp tục rà soát thực hiện Đề án cà phê bền vững theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, trên cơ sở triển khai các đề án chuyên đề, như: Đề án cà phê đặc sản; Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng tại vùng Tây Nguyên phục vụ chế biến và xuất khẩu; Đề án cà phê cảnh quan. Cụ thể, phát triển vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với quy mô diện tích 107.000ha tập trung tại 10 huyện. Bên cạnh đó, ưu tiên phối hợp với tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và các đơn vị liên quan thực hiện Đề án cà phê cảnh quan quy mô diện tích khoảng 90.000ha. Chương trình này đã được IDH và các bên liên quan khởi động giai đoạn 1 tại huyện Krông Năng với quy mô diện tích 5.200ha rất hiệu quả.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để nâng tầm giá trị cho ngành cà phê, ngành chức năng cần phải quy hoạch vùng trồng để sản xuất đa dạng nhiều sản phẩm như cà phê đặc sản, cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ... Đối với người nông dân, cần phải thay đổi tư duy làm nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi các giống cây trồng mới đảm bảo chất lượng, năng suất. Quá trình sản xuất cần phải hướng đến các mô hình sản xuất hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng cà phê; liên kết lại theo mô hình HTX và HTX liên kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu…

Tây Nguyên hiện có 639.000ha cà phê, chiếm khoảng 92% diện tích cà phê cả nước. Nhưng việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục