Tây Nguyên dốc sức ngăn ngừa cháy rừng

Những cánh rừng ở Tây Nguyên đang được cảnh báo nguy cơ cháy cao khi bước vào mùa khô. Để ngăn ngừa cháy rừng, chủ rừng đang dốc toàn lực triển khai phát dọn thực bì, tuần tra, canh gác.
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn kiểm tra, phát dọn thực bì. Ảnh: MAI CƯỜNG
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn kiểm tra, phát dọn thực bì. Ảnh: MAI CƯỜNG

Hối hả ngăn “bà hỏa”

Tây Nguyên hiện có khoảng 2,5 triệu hécta rừng. Thời gian qua, tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến nhiều cánh rừng nơi đây đối diện nguy cơ cháy. Dọc theo đường nhựa từ cầu Sê San 3A lên xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), hai bên đường là những diện tích rừng tự nhiên còn sót lại với nhiều cây gỗ lớn, những cây bụi, cây leo dưới tán rừng bị khô, lớp thực bì dày không được dọn nên có nguy cơ cháy cao...

Theo Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, hiện diện tích rừng dễ cháy trên địa bàn là hơn 232.800ha; trong đó, ở huyện Sa Thầy là hơn 31.500ha, số còn lại nằm ở TP Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Kon Plông, Đắk Tô, Ngọc Hồi và Ia Hdrai. Qua kiểm tra công tác phòng cháy tại hiện trường rừng trồng, phát hiện một số đơn vị quản lý rừng chưa thực hiện phát dọn thực bì. Ngoài ra, tại các đơn vị chủ rừng, trang bị dụng cụ, thiết bị chữa cháy còn ít, nếu xảy ra cháy rừng rất khó xử lý kịp thời; thậm chí một số đơn vị chủ rừng chưa trang bị hệ thống biển báo cấm lửa, cấm chăn thả gia súc, cấm phát dọn nương rẫy... để cảnh báo người dân trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy rừng.

Trong khi đó, tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), công tác phòng chống cháy rừng đang được triển khai quyết liệt; cán bộ túc trực 24/24 giờ, thường xuyên luân phiên tuần tra để phòng ngừa các sự cố cháy rừng. Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin, cho hay, vườn có hơn 6.000ha rừng lá kim nằm trong vùng lõi, lại giáp ranh với vườn của hàng ngàn hộ dân canh tác nên có nguy cơ cháy cao.

“Thời điểm mùa khô, người dân thường phát dọn nương rẫy, sử dụng lửa để nấu nướng nên rất dễ cháy lan rừng. Chúng tôi đã thành lập các tổ phòng cháy rừng, xây dựng các đường băng cản lửa. Đồng thời, yêu cầu tất cả hộ dân sống ở khu vực cận rừng ký cam kết bảo vệ rừng, hướng dẫn người dân ý thức sử dụng lửa, không để ảnh hưởng đến rừng và xử lý tình huống khi có cháy rừng xảy ra”, ông Nghĩa nói.

Tại Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), những cánh rừng khộp mùa này bắt đầu rụng lá nên lá khô và cây bụi nằm xếp lớp, rất dễ bén lửa. Ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết, để ngăn cháy rừng, vườn đã cử cán bộ đi phát dọn thực bì. “Xác định nguy cơ cháy cao vào mùa khô nên vườn đã cử cán bộ túc trực tại đây để nhắc nhở bà con sử dụng lửa đúng cách nhằm không để cháy lan sang rừng”, ông Tạo nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm trách nhiệm

Không chỉ các chủ rừng mà các cấp, ngành cũng dồn lực ngăn cháy rừng. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, lưu ý, địa bàn tỉnh có hơn 514.900ha rừng. Mùa khô năm 2022, đơn vị đã triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đến các đơn vị trực thuộc, chủ rừng và địa phương. Trong đó, yêu cầu các chủ rừng chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng cháy; lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là phòng chống cháy rừng.

“Hiện nay, đơn vị cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng cho năm 2023, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các chủ rừng”, ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ. Tương tự, ông Võ Sỹ Chung, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, cho rằng, để ngăn cháy rừng, sắp tới, đơn vị tiếp tục đề nghị các huyện, thành phố khẩn trương đôn đốc việc phát dọn vật liệu cháy; kiến nghị bổ sung biển báo cấm lửa, cấm chặt phá, cấm chăn thả gia súc, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy... tại các khu vực trọng điểm, dễ xảy ra cháy rừng.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, mùa khô năm nay, dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng cháy; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy, không để lửa cháy lan vào rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng; yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô 2022-2023. “Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn”, UBND tỉnh Gia Lai lưu ý.

Tin cùng chuyên mục