
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt tại các tỉnh Tây Nguyên đang gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân và thiệt hại nặng nề về các loại cây nông nghiệp, hoa màu. Hiện tại, mực nước tại các con sông Ba, Sê San, Ayun, Sê-rê-pôk… ở Tây Nguyên đang xuống dần cùng với nguồn nước ngầm cạn kiệt.

Những cánh đồng lúa nước ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) khô nứt nẻ.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh Tây Nguyên, hạn cục bộ bước đầu xuất hiện và chứa đựng nhiều khả năng sẽ diễn ra trên diện rộng. Tại Gia Lai, hạn hán đang diễn ra trên diện rộng tại các huyện phía Đông của tỉnh là Kông Chro, Krông Pa, Đăk Pơ, Kbang… hàng ngàn nông dân đang đối mặt với một vụ mùa trắng tay.
Tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), khoảng trên 1.000ha lúa đại trà đang bước vào giai đoạn làm đòng kết hạt nhưng đứng trước nỗi lo thiếu nước. Mực nước tại hầu hết các công trình thủy lợi và hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện xuống rất nhanh và thấp hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái từ 1-2m.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, hiện tại hàng ngàn hécta thuốc lá và hoa màu ở Krông Pa không thể sống được vì thiếu nước. Không chỉ trong sản xuất, người dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mỗi ngày, người dân ở đây phải đi gùi nước dưới sông Ba từ 2 - 3 lần vì các giếng khoan đều cạn khô không thể dùng được.
Tại Đắc Lắc, tính đến ngày 31-3, toàn tỉnh có hơn 5.000ha cây trồng bị khô hạn, trong đó lúa nước 1.717ha (gần 700ha có khả năng mất trắng), cà phê là 2.500ha (các huyện Ea H’leo và Krông Buk bị hạn nặng nhất) và ngô bị mất trắng khoảng 80ha (chủ yếu ở huyện M’Đrắc). Nguyên nhân do khu vực phía Đông tỉnh mùa mưa kết thúc quá sớm, các vùng khác thì nông dân gieo cấy tận dụng ở những nơi nguồn nước không ổn định, mực nước các sông xuống thấp ảnh hưởng đến công suất của các trạm bơm và nhiều tuyến kênh chưa được kiên cố hóa nên nước không về được cuối tuyến.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn các năm trước. Trong các tháng cuối mùa khô năm 2010 nguồn nước tưới và nước sinh hoạt sẽ ngày càng cạn kiệt.
Theo khảo sát của Đoàn địa chất 704 tại các huyện Krông Pách, Krông Buk, Lăk (tỉnh Đắc Lắc); Đắc Min, Đắc Song, Cư Jút (tỉnh Đắc Nông); Chư Sê (tỉnh Gia Lai)..., mực nước ngầm tiềm năng ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng giảm diện tích cây cà phê, tăng nhanh diện tích rừng trồng.
Đức Trung
Kiểm tra phòng chống cháy rừng tại Kiên Giang và Cà Mau Ngày 1 và 2-4, đoàn công tác do Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra việc tổ chức thực hiện và triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, hai tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL (trên 100.000ha). Từ đầu năm 2010 đến nay, thời tiết khô hạn khiến cho nước trong các kênh, rạch, đê bao ngày càng cạn kiệt. Do đó, nguy cơ cháy rừng ở các lâm trường, vườn quốc gia và vùng rừng xen chuyên canh đã lên mức báo động. H.Hoa |