Hiện nay, việc xây dựng chính quyền điện tử ở Tây Ninh đang mang lại kết quả tích cực và việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng đang được quan tâm, đầu tư trên các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh. Đa phần các ứng dụng chỉ ở mức cơ bản, chưa thực sự trên nền tảng điện tử, nền tảng số để tạo sự chuyển đổi đột phá về mô hình, quy trình sản xuất, sản phẩm dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Do đó, việc hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số của tỉnh Tây Ninh là cấp thiết.
Theo đề án xây dựng chính quyền số, đến năm 2025, Tây Ninh vào nhóm 15 tỉnh dẫn đầu về sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) hoặc điểm số trung bình tối thiểu là 0,5 (điểm tuyệt đối chỉ 1 điểm) vào năm 2025 (năm 2019 Tây Ninh đạt 0,482 điểm, xếp hạng thứ 25); hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, 100% các khu đông dân cư, trường học, bệnh viện, khu du lịch có hệ thống kết wifi công cộng…
Trong giai đoạn 2020-2022, Tây Ninh sẽ nâng cấp, mở rộng nền tảng chính quyền điện tử và thiết lập nền tảng ban đầu của chính quyền số trên cơ sở các giải pháp đã có về chính quyền điện tử. Giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ xây dựng nền tảng chính quyền số trên cơ sở giải pháp đã có về chính quyền điện tử. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 596 tỷ đồng, từ nguồn Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và một số nguồn kinh phí khác.
Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% hồ sơ công việc từ tỉnh xuống xã được xử lý trên môi trường mạng, 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan xử lý, tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh.