-Ông đi đâu thế?
-Thì đi sang nhà chú Huấn ăn mừng nhà mới chứ sao.
-Thôi. Đang dịch bệnh thế này ông đi lỡ lây bệnh thì sao?
-Sợ thì cũng phải đi, người ta đã có lời mời. Hơn nữa cả đời chú mới làm được cái nhà tử tế phải mừng cho họ chứ. Chú ấy cũng không mời đông, chỉ anh em gần kề. Mình không đi người ta cười cho.
Bà Hoa nhìn theo bóng chồng khuất dần ngoài ngõ mà chỉ biết thở dài. Dân mình lại được tính cả nể, cứ mời là phải đi chứ đâu dám chối từ. Mà bà cứ lo xa thế thôi chứ chắc sẽ không sao. Chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, bà lại xách làn chui vào vườn táo. Bà phải hái cả trưa mới đủ táo giao cho thợ mua buôn. Năm nay táo thưa quả nhưng được giá, cứ mười ngàn một ký, ngày hái cật lực cũng thu về nửa triệu. Bấy nhiêu với người nông dân to lắm, nên cứ mùa táo là cả ngày bà chui rúc ngoài vườn. Đã thế còn nửa mẫu ruộng đang dùng thả cá cũng cần phải cấy xong trước tết. Ngày mai bắt đầu đốt lửa kéo cá đồng, lúc sáng ông đã chở củi, dựng sẵn lều rồi. Chẳng biết ông đi ăn cỗ có uống say không, lỡ mà quên gọi người thì mai chẳng có ai kéo lưới. Tụi nhỏ thì đều làm ăn xa, có hôm chiều ba mươi tết mới thấy về đông đủ. Thành ra bao nhiêu việc cũng chỉ có mỗi hai ông bà xoay xở. Thằng cả có lúc điện về bảo:
-Bố mẹ cho người ta làm bớt ruộng đi. Cũng chăn nuôi ít thôi. Già rồi phải nghỉ ngơi chứ làm cố, chết cũng đâu có mang theo được.
Đúng là hai ông bà ăn uống là bao, nhưng tiền chi tiêu thì không ít. Bao nhiêu việc họ mạc, cưới xin, mồ mả cần phải lo. Nhà nông toàn lấy công làm lãi, làm vất vả nhưng mùa màng thất thu, giá lợn gà, lúa ngô thì thấp. Giá phân đạm, con giống thì cao. Mà giờ ông bà cũng già rồi không tự mình làm hết mọi việc nên phải thuê người làm. Cày bừa, gặt hái đã có máy móc. Kéo cá hay gieo cấy thì thuê thêm vài người. Phải vậy mới làm kịp thời vụ để còn yên tâm mà ăn tết.
Đang tính tranh thủ đi mua sắm tết bỗng nhận được tin trong làng vừa có người dương tính với Covid-19. Sau khi điều tra dịch tễ thì người này từng có mặt trong đám ăn mừng mà ông Hạ đã đi. Không những vậy còn tay bắt mặt mừng, cụng ly cùng nhau. Đang ăn uống lại không đeo khẩu trang nên giờ cả làng toàn F1, F2. Đến khổ…
Chiều hai sáu tết, ông Hạ ra cổng, bắc ghế trèo lên. Một bên trụ cổng ông treo lá cờ Tổ quốc mừng năm mới. Còn một bên ông treo tấm biển đỏ chót với dòng chữ: “Thông báo: Gia đình đang có người cách ly theo dõi y tế tại nhà”. Ông khẽ thở dài cài chặt cổng, quay vào với đàn lợn đang kêu trong chuồng. Lứa lợn này lẽ ra sẽ được xuất trước tết, đã có người đặt cọc hẹn ngày đến bắt. Nhưng tình hình dịch bệnh thế này, ông đành phải nuôi qua tết. Đặt xô cám xuống, ông bảo bà:
-Thế là năm nay mất tết thật rồi. Đã không được đi đâu ra khỏi nhà, cũng không được tiếp khách lại còn phải chăm mấy đàn lợn nữa.
-Thì dịch bệnh, cả làng thế chứ riêng gì nhà mình. Tốt nhất không tụ tập ăn uống như mọi năm để yên ổn ra giêng còn làm ăn.
-Nói như bà… Làm quần quật, cả năm có mỗi cái tết.
-Chắc là tôi già rồi nên càng ngày càng không thích ồn ào, chúc tụng.
Như chợt nhớ ra điều gì, ông lật đật chạy tìm điện thoại bấm số gọi cho từng đứa. “A lô cả à, nhà đang bị cách ly. Thôi các con đừng về, để ra tết nhà mình sum họp”. Thằng hai bảo: “Ô thế ra năm nay con được về nhà ngoại ăn trọn cả cái tết”. Vợ chồng đứa út còn bận bán buôn ngoài chợ vẫn không quên dặn: “Bố mẹ nhớ đun nước lá mà xông. Ăn uống đủ chất và nhớ súc miệng nước muối mỗi ngày”. Ờ… ờ… mấy cái đó ngày nào loa làng chẳng phát vài ba bận. Có khi mệt nhọc vừa ngả lưng xuống giường định đánh một giấc ngon lành thì tiếng loa lại oang oang.
Ngoài sân mấy đứa cháu đang giúp bà cọ lá dong. Đứa nào cũng đòi bà gói cho cặp bánh chưng bé xíu để đeo tòng teng ở cổ. Bà ngồi chẻ lạt giang ngay cạnh đám sao nhái mọc hoang trong vườn ra hoa rực rỡ. Năm nay bà chẳng cần phải vội, cứ nhẩn nha thong thả mà đón tết thôi. Con cháu về muộn nên bánh chưng cũng gói ít thôi, để ra giêng nấu thêm nồi nữa.
Chiều hai chín tết, ông Hạ cứ đi vào đi ra, lòng dạ bồn chồn. Ngày này mọi năm, ông thường ra chợ mua mấy cây cúc, vài thẻ hương đi tảo mộ. Đấy là công việc quan trọng cần làm, dương sao âm vậy. Mồ mả ông bà cũng cần phải được dọn cỏ, trồng hoa đón tết. Cũng cần phải thắp nén hương mời ông bà về nhà đón tết cùng con cháu. Đang lẩn thẩn nghĩ ngợi thì bỗng có tiếng điện thoại reo lên. Hóa ra là thằng cháu, nó gọi bảo: “Biết bác phải cách ly nên cháu ra nghĩa trang dọn dẹp, hương hoa đầy đủ rồi”. Ông thở phào nhẹ nhõm, lúc này mới thảnh thơi nghĩ đến việc dọn dẹp trong nhà. Mải loay hoay chẳng mấy chốc ngẩng lên đã trưa rồi. Dưới bếp vọng lên tiếng xào nấu thức ăn, cồn cào cơn đói. Đâu đó trong gió thoảng lại mùi hương trầm thân thuộc…
Chiều ba mươi tết vẫn theo lệ cũ, bà đun một nồi nước tắm tất niên. Lũ trẻ mỗi đứa một cái chậu ngồi ngâm mình trong đó cười rinh rích cả chiều. Suốt mấy ngày nay, chúng cứ đứng bên trong cánh cổng ngóng vọng ra ngoài, liên mồm hỏi: “Bao giờ thì bố mẹ con về?”. Đã mấy tháng rồi vợ chồng đứa con gái không về thăm con. Cả năm dịch bệnh liên miên làm ăn không được nên mấy tháng cuối năm tranh thủ cày cuốc mong kiếm được chút tiền lo học hành cho con, trả bớt công nợ. Tụi nhỏ chỉ được nhìn bố mẹ qua màn hình điện thoại với mây câu hỏi thăm vội vã.
Cây đào trước nhà như thể bớt thắm hơn. Đám cúc vạn thọ cũng vì thế mà bớt phần rực rỡ. Ông pha ấm nước chè ngồi bần thần nhớ các con. Giờ này mọi năm bận bịu mấy đi nữa chúng cũng đã có mặt ở nhà. Dựng xe ở sân chúng chui tọt vào bếp ngồi sưởi bên đống lửa, thủ thỉ với mẹ già đủ thứ chuyện thị thành. Chờ cho đôi bàn tay ấm lại, chúng ùa ra vườn tìm những trái bưởi chín vàng, những quả hồng cuối vụ.
Đêm giao thừa điện thoại reo liên tục. Tụi nhỏ còn lập hẳn một nhóm chat để cả nhà đón năm mới cùng nhau. Cái màn hình điện thoại bé xíu, ông phải đeo kính vào mới nhìn rõ con trai con gái, con dâu con rể. Khi tiếng đếm ngược thời gian vang lên trên ti vi, cả nhà ông cùng nâng ly online chúc mừng năm mới. Bất ngờ thay ông bà thông gia cũng góp vui. Tụi nhỏ lanh chanh đòi ghé mặt sát màn hình khoe với nhau bao lì xì vừa nhận được. Tết cách ly hóa ra cũng không buồn tẻ như ông nghĩ. Chẳng mấy chốc ông sẽ được gỡ bỏ tấm biển đỏ treo trước cổng nhà. Làng xóm sẽ bình an đón những cuộc sum vầy muộn…