Thà ăn lưng lửng mà môi trường sạch…

Thà ăn lưng lửng mà môi trường sạch…
Thà ăn lưng lửng mà môi trường sạch… ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng: “Phải có sự phối hợp giữa các bộ mới thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường”.

Ngày 24-12, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực đã chủ trì hội nghị “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai”. Lãnh đạo UBND 12 tỉnh – thành (bao gồm TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An) và đại diện các bộ – ngành liên quan trao đổi thẳng thắn về thực trạng cũng như giải pháp thiết thực để thực hiện đề án thành công.

  • Ô nhiễm trầm trọng

Theo Bộ TN-MT, hiện các sông suối ở khu vực thượng lưu và trung lưu hệ thống sông Đồng Nai chưa bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng tại một số đoạn sông, hồ như thác Cam Ly, hồ Trị An đã có dấu hiệu ô nhiễm rõ rệt. Tại khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, tình trạng suy thoái nguồn nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng.

Chất lượng nước ở hầu hết hệ thống kênh rạch nội thành, ven đô, các đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai (sông Đồng Nai), Bình Phước đến Tân Thuận (sông Sài Gòn), nhà máy Vedan đến cảng Phú Mỹ (sông Thị Vải), sông Vàm Cỏ Đông đều bị ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ và vi trùng.

Ngoài ra, trong những năm qua, khu vực hạ lưu sông Đồng Nai còn hứng chịu tình trạng xâm nhập mặn, cao điểm nhất là vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 hàng năm. Bộ trưởng Mai Ái Trực cảnh báo, nếu không sớm ngăn chặn thì chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, nồng độ ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai sẽ gia tăng, chất lượng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước cung cấp cho sinh hoạt. Liệu lợi nhuận thu được hoạt động công nghiệp có đủ bù đắp cho chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường?!

  • Chú trọng hậu kiểm

Lý giải nguyên nhân chất lượng nước sông Đồng Nai bị suy thoái nhanh chóng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ mới chú trọng phát triển kinh tế mà quên bảo vệ môi trường. Phần lớn KCX-KCN hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thừa nhận tỉnh mình chỉ có hệ thống xử lý chất thải tập trung và chất lượng nước xử lý thì… lúc đạt, lúc không! Còn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết toàn thành phố chỉ có 5/15 KCX-KCN có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đó là chưa kể hàng ngàn cơ sở sản xuất nằm ngoài KCX-KCN đang xả trực tiếp nước thải ra kênh rạch, sông ngòi mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào.

Một số đại biểu đề nghị không cấp phép đầu tư cho một số ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm hoặc các sự cố về môi trường. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại không đồng tình theo hướng này. Ông Phạm Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng quan trọng là công tác hậu kiểm. Bởi lẽ khi đăng ký kinh doanh, dự án nào cũng “sạch”, chỉ khi đưa vào hoạt động mới phát sinh ô nhiễm.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhắc lại lời của Thủ tướng Phan Văn Khải: “Thà ăn lưng lửng mà môi trường sạch còn hơn “ăn” no mà môi trường ô nhiễm” .

Ái Chân - Ái Vân

Tin cùng chuyên mục