
Vào lúc 20g ngày 8-10, tại rạp Hưng Đạo (số 136 Trần Hưng Đạo, Q1, TPHCM), Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc – 2006 sẽ khai mạc với vở kịch “Cánh đồng gió” (Tác giả Hoàng Linh Hương – Đỗ Đức Thịnh, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) của Công ty cổ phần Sân khấu – Điện ảnh VTTM – Sân khấu kịch Phú Nhuận (HTV trực tiếp truyền hình).

Cảnh trong vở “Cánh đồng gió”.
Đây là liên hoan đầu tiên được chính thức tổ chức dành riêng cho các sân khấu xã hội hóa toàn quốc sau hơn 15 năm, kể từ ngày chủ trương xã hội hóa sân khấu ra đời, nhằm tạo cho các sân khấu này có “cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nghệ thuật, phương thức quản lý, tổ chức hoạt động. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, từ đó tìm ra giải pháp phát triển mô hình hoạt động trên phạm vi toàn quốc”.
Gọi là Liên hoan dành cho sân khấu xã hội hóa song trong số 16 đơn vị tham gia có đến 4 đoàn thuộc các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập nhưng được dàn dựng bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách của nhà nước.
Tất cả các đơn vị tham dự đều được Ban tổ chức cấp 10 triệu đồng cho mỗi vở gọi là tiền hỗ trợ chi phí luyện tập và biểu diễn, trong khi mọi phí tổn đi lại, ăn ở... các đơn vị đều phải tự túc. Hình thức tổ chức Liên hoan Sân khấu xã hội hóa lần này có điều khác với những lần hội diễn trước đây, đó là các đơn vị tổ chức đêm diễn có bán vé bình thường tại sân khấu của mình, chỉ những đơn vị nào không có điểm diễn sẽ được Ban tổ chức bố trí diễn tại rạp Hưng Đạo (136 Trần Hưng Đạo, Q1).
Các vở diễn tham gia liên hoan không phân biệt cũ, mới chỉ với điều kiện chưa bao giờ có mặt trong các liên hoan Sân khấu toàn quốc nào. Một Hội đồng nghệ thuật gồm 5 người sẽ theo dõi, đánh giá và cho điểm kín (bỏ vào bao thư dán lại) để chọn trao giải xuất sắc cho 1 vở diễn, 1 tác giả, 1 đạo diễn, 1 diễn viên...
Giải thưởng là Bằng chứng nhận kèm theo tiền thưởng. Ngoài giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật, Ban tổ chức còn đề nghị các cơ quan, ban, ngành, thông tấn, báo chí trao giải thưởng riêng cho các đơn vị, cá nhân được bình chọn.
Tham gia với hai vở: Xóm gà và Phận làm trai, Giám đốc Công ty cổ phần Giải trí Phước Sang tỏ ra khá vui khi cho rằng Liên hoan này là dấu hiệu cho thấy Nhà nước công nhận mô hình sân khấu tư nhân. Điều đó là chất men kích thích cho các sân khấu này nỗ lực tạo diện mạo mới. Lâu nay, các sân khấu xã hội hóa ở TP đã tạo được cho mình chỗ đứng trong lòng khán giả nhưng mỗi nơi làm theo mỗi kiểu và cũng chưa có thước đo rõ ràng.
24 vở của 16 đơn vị Cõi tình, Hoa biển (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ); Hãy khóc đi em, Trái tim nhảy múa (IDECAF); Số đỏ, Cánh đồng gió (Sân khấu Phú Nhuận); Phận làm trai, Xóm gà (kịch Sài Gòn); Ra giêng anh cưới em, Người nhà quê (Sân khấu Nụ cười mới); Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm, Khi quá khứ trở về (Nhà hát Thế giới trẻ); Duyên kiếp, Ra giêng anh cưới em (Nhà hát Trần Hữu Trang); Chợ đời (Công ty Mỹ Phát); Biển cồn cào (Đoàn kịch Sóng biển Hải Phòng); Nàng bắn lén (Trường Cao đẳng SK – ĐẢ TPHCM); Khi người ta yêu (SK Tao Đàn); Là ai? (Trung tâm SK thử nghiệm phía Nam); Tiếng vọng hành tinh (CLB kịch hình thể); Nước mắt thâm tình (CLB Cải lương Hội SK TPHCM); Nhật, nguyệt thực (Đoàn kịch Lan Hương); Chuyện miệt đồng (Nhà hát kịch TP). |
Bà bầu của Sân khấu Phú Nhuận – đạo diễn Hồng Vân, cho rằng “quá cần thiết” để có một cuộc liên hoan như thế này vì đó là sự công nhận “danh chính ngôn thuận” cho sự tồn tại của sân khấu xã hội hóa. Sân khấu, theo xu thế chung, không thể tách khỏi cơ chế thị trường nhưng lâu nay trong tâm thức của nhiều “vị” vẫn còn tranh tối tranh sáng, giờ thì Liên hoan mở ra như hình thức “cấp sổ đỏ” cho sân khấu tư nhân.
Việc công nhận này giúp các sân khấu xã hội hóa có “mức” để vươn tới, nâng cấp nghệ thuật, được tồn tại không chỉ được hiểu là một sân khấu thành công ở phương diện thương mại mà còn có được sự đột phá, cạnh tranh lành mạnh trong nghệ thuật.
Các liên hoan sân khấu trước được tổ chức “xa rời thực tế” nên các sân khấu xã hội hóa không tham gia, nay rất hồ hởi, muốn gửi đi từ 6 đến 8 vở diễn để “trình làng” đầy đủ các gương mặt nghệ sĩ đang đóng góp tích cực cho sân khấu xã hội hóa thì Ban tổ chức lại chỉ cho phép tham dự 2 vở, quá ít so với thực lực của các sân khấu.
Việc “cào bằng” cho mỗi đơn vị 2 vở là điều không công bằng đối với những sân khấu đã có bề dày xã hội hóa.
Riêng đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Sân khấu và nghệ thuật Thái Dương (IDECAF), địa chỉ có nhiều vở diễn hay nhất ở TPHCM hiện nay lại tỏ ra không mấy hứng thú với Liên hoan. Nếu như trước kia, anh từ chối tất cả các lời mời dự liên hoan vì “tốn tiền” mà không tin sẽ đem lại hiệu quả gì thì nay, do cách thức tổ chức Liên hoan thay đổi, diễn ngay tại sân khấu của mình như bình thường (chỉ mất một số vé mời cho những thành phần có trách nhiệm trong Liên hoan) nên anh không thể từ chối.
Theo anh, đến nay, sau 15 năm có chủ trương và sau 10 năm Sân khấu IDECAF hoạt động, mới có liên hoan đầu tiên như một cách thức công nhận là quá chậm.
Theo anh, hiệu quả của các sân khấu xã hội hóa ở TP đã được khán giả công nhận từ lâu. Chính khán giả là động lực để các sân khấu xã hội hóa nỗ lực vươn lên từng ngày, bởi theo anh, nghệ thuật không có điểm dừng.
Nếu không tự làm mới mình, không tự nâng mình lên, các sân khấu xã hội hóa tức khắc sẽ bị khán giả quay lưng, vì vậy, anh không tin lắm vào những điều sẽ học hỏi được từ các cuộc hội thảo trong Liên hoan. Dẫu vậy, Huỳnh Anh Tuấn vẫn cho rằng: “Thà muộn còn hơn không”.
NHẬT LAM