Thả nổi hậu cần nghề cá

Đồng hành với ngư dân
Thả nổi hậu cần nghề cá

Từ lâu nay, hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung luôn gắn với những “đầu nậu” ở đất liền. Những cơ sở này luôn đáp ứng mọi nhu cầu từ A - Z của ngư dân như chi phí ra khơi, vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Đổi lại, các tàu khi đánh bắt trở về phải “nhập” sản phẩm cho các “đầu nậu”. Không thể phủ nhận các “đầu nậu” đã đáp ứng kịp thời và kích cầu các ngư dân ra khơi bám biển. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh (Bình Sơn): Hoạt động của các chủ “đầu nậu” bao giờ cũng có tính hai mặt?!

Tàu cá ngư dân nhập nhiên liệu, thực phẩm của tư thương tại cảng cá Hàm Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định) trước lúc ra khơi. Ảnh: Hoàng Trọng

Tàu cá ngư dân nhập nhiên liệu, thực phẩm của tư thương tại cảng cá Hàm Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định) trước lúc ra khơi. Ảnh: Hoàng Trọng

Đồng hành với ngư dân

Xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 117 tàu đánh bắt xa bờ, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, số lượng chủ tàu chủ động được nguồn vốn cho mỗi chuyến ra khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lẽ đó, các chủ đầu nậu ra đời nhằm cung ứng những nhu cầu của ngư dân. Ở xã này, có 12 chủ đầu nậu hoạt động với quy mô lớn và hơn 90% chủ tàu cá hoạt động được là nhờ nguồn tiền của chủ đầu nậu.

Ông Đỗ Văn Ni, 43 tuổi, ở thôn Định Tân (xã Bình Châu), có tàu 220 CV, cho biết mỗi chuyến ra khơi đánh bắt khu vực biển Trường Sa cần hơn 300 triệu đồng để mua dầu, đá lạnh, lương thực... nên trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều vay mượn tiền của đầu nậu. “Chỉ cần ghi lại số tiền đã vay mượn, ký tên vào một cuốn sổ của chủ đầu nậu là nhận tiền và đi đánh bắt chứ không tốn nhiều thời gian như khi vay tín chấp ở ngân hàng” - ông Ni cho biết.

Không chỉ cho ngư dân vay không lãi mà mỗi khi tàu gặp nạn, một số chủ đầu nậu còn chia sẻ với ngư dân bằng cách khoanh nợ, giãn nợ giúp ngư dân làm ăn ổn định. Một số chủ đầu nậu còn tiếp tục cho chủ tàu mượn tiền để sửa chữa, mua ngư lưới cụ hoặc đóng mới tàu thuyền tìm kế sinh nhai. Ông Trương Văn Đức, 45 tuổi, chủ tàu QNg 95850 kể rằng, tàu của ông ba lần bị nạn trên biển, có năm đi gần như chuyến nào cũng lỗ, nếu không có chủ nậu tiếp sức thì ông đã bỏ nghề từ lâu rồi.

“Ngư dân gặp nạn biết lấy tiền đâu mà trả. Con tàu được xem là tài sản duy nhất, mất tàu có nghĩa họ mất tất cả. Chúng tôi phải tiếp tục “bơm” vốn, giúp họ duy trì làm ăn để gỡ vốn. 15 năm qua, cơ sở của tui “đỡ đầu” cho khoảng 10 chủ tàu, trung bình 500 triệu đồng/chủ tàu để mua hoặc đóng mới phương tiện, với điều kiện các chủ tàu này phải bán lại thủy sản đánh bắt được cho chúng tôi” - một chủ đầu nậu chia sẻ.

Ngư dân thiệt thòi

Thoạt nghe cứ tưởng chừng mối quan hệ làm ăn giữa các chủ đầu nậu và chủ tàu theo tinh thần thuận mua, thuận bán. Nhưng thực tế, lãi suất đã được tính vào giá thu mua hải sản. Giá thu mua do chủ nậu quyết định, thường luôn thấp hơn giá thị trường.

Anh Nguyễn Ảnh (ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), chủ tàu BĐ 96303 TS, cho biết: “Mua chịu thì đại lý xăng dầu ra điều kiện ăn chia với số lượng cá mà mình đánh bắt được, ngoài số tiền mua xăng dầu. Thường một ký mực chủ xăng dầu sẽ nhận 1.000 đồng/kg, giá cá ngừ vô chừng, khi trúng giá thì bán khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg, khi rớt giá chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg nên đại lý cũng sẽ ăn chia 2.000 - 3.000 đồng/kg”.

Còn theo anh Văn Công Việt (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 91189 TS, giữa đại lý xăng dầu hay các cơ sở cung cấp nước đá, thực phẩm và các chủ tàu cá chẳng ai ràng buộc ai, vì bên nào cũng có nhu cầu riêng. Nhưng nhiều khi vì đó mà nợ chồng chất. Thậm chí, có ngư dân sau nhiều chuyến biển liên tục lỗ đã bị chính chủ đầu nậu xiết tàu, mất phương tiện làm ăn khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn.

Ông Mai Phụng Lưu, ở huyện Lý Sơn kể lại, tháng 9-2010, sau khi liên tiếp 4 lần bị nạn tại Hoàng Sa, mỗi chuyến ra khơi trở về là trắng tay trong khi đang nợ chủ đầu nậu hơn 300 triệu đồng, họ sợ không trả nổi nên xiết tàu đưa cho ngư dân khác thuê.

Hầu hết các ngư dân đều biết điều làm ăn, vay mượn với đầu nậu dù không có ràng buộc phức tạp về mặt pháp lý nhưng rõ ràng, mối quan hệ ngư dân - chủ đầu nậu cực kỳ chặt chẽ bởi gắn liền với quyền lợi, mưu sinh nên dù có bị ép giá khi bán các loại sản phẩm cho chủ đầu nậu, họ cũng chấp nhận vì không còn cách nào khác. Có một số ngư dân cũng tách ra được khỏi chủ đầu nậu bằng việc tích lũy vốn để làm ăn hoặc làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên số này ít.

Nên chăng chính quyền các địa phương ven biển cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân như thành lập Quỹ ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá, HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản... nhằm hút các chủ đầu nậu vào để quản lý, chia bớt “quyền lực” của chủ đầu nậu nhằm tránh thiệt thòi cho ngư dân.

Hà Minh - Hoàng Trọng

Tin cùng chuyên mục