Hệ lụy từ những bình gas mi ni “3 không”
Chiều 20-8, một vụ cháy do nổ bình gas đã xảy ra tại một ngôi chợ nằm trên đường D9 (quận Tân Phú, TPHCM) khiến 6 ki ốt bị hư hỏng nặng, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Theo người dân sống xung quanh hiện trường, vào gần 3 giờ chiều, một thanh niên đến giao bình gas cho một tiểu thương tại chợ D9 thì bất ngờ xe máy bị ngã và bình gas rơi xuống đường phát nổ. Sau đó, gây cháy lớn và lan sang nhiều hộ kinh doanh trong chợ, khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy. Nhận tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC (Công an quận Tân Phú) đã kịp thời đến dập tắt vụ hỏa hoạn sau ít phút, ngăn không để cháy lan. Vụ hỏa hoạn may mắn không gây thương vong về người nhưng đã làm hư hỏng và gây thiệt hại tài sản cho khoảng 6 ki ốt, nhiều xe máy bị cháy trơ khung.
Gần giữa tháng 7-2019, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một ca phỏng nặng có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Đó là trường hợp anh P.H.V. (44 tuổi, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Theo lời anh V. kể, khi đi làm về đói bụng nên anh bật bếp gas mi ni nấu mì thì bình gas bị rò rỉ, khí gas phựt lên rồi phát nổ, bốc cháy, ngọn lửa bắt vào mặt và toàn thân anh V. Phát hiện sự việc, nạn nhân được mọi người xung quanh đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng nên phải chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Qua thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng bình gas, bếp gas mi ni chủ yếu là công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; sinh viên, người lao động tự do tại các khu nhà trọ, hoặc bán hàng ăn nhỏ tại các chợ. Do điều kiện kinh tế eo hẹp, phòng trọ chật chội cũng như thuận lợi khi di chuyển, thay đổi chỗ ở nên nhiều người đã lựa chọn sử dụng bếp gas mi ni và bình gas mi ni để nấu ăn, buôn bán hàng ngày. Điều đáng nói là những bình gas mi ni loại này hầu hết là bình gas “3 không” (không địa chỉ, không thông số kỹ thuật, không rõ nguồn gốc gas), có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/bình. Đây là những hiểm họa đe dọa hàng ngày, hàng giờ đến an toàn của những người sử dụng. Nguy hiểm hơn, đa phần bình gas mi ni trên thị trường đều được tái nạp nhiều lần, thậm chí vỏ mòn và gỉ sét, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, cháy nổ gas.
Cần thống kê cụ thể và quản lý chặt chẽ hơn
Theo khuyến cáo của Cảnh sát PCCC - CNCH, về nguyên tắc, bình gas mi ni chỉ sử dụng một lần mà không được phép chiết nạp, sử dụng lại. Trước khi vứt bỏ bình gas phải xả hết gas bên trong bình, tránh trường hợp hơi gas còn tích tụ lại bên trong bình, khi gặp nhiệt độ cao hay tia lửa có thể gây nổ bình. Không chỉ có vậy, việc sử dụng loại bình cũ lại càng nguy hiểm hơn do bình đã bị gỉ sét, van bình không còn độ chính xác sau nhiều lần sử dụng, dẫn đến rò rỉ gas và gây cháy nổ. Đây là những hiểm họa đe dọa hàng ngày, hàng giờ đến an toàn của người sử dụng.
Nguyên tắc là vậy, nhưng trên thực tế, nắm bắt được tâm lý của người sử dụng, một số cơ sở kinh doanh đã thu gom vỏ bình gas mi ni cũ, phai màu sơn, thậm chí đã bị hoen gỉ một phần, để nạp lại bằng nguồn gas khác với giá rẻ hơn bán cho khách hàng. Cùng với đó, tại các khu tập thể, các khu nhà trọ nơi tập trung nhiều người sử dụng đã hình thành những cửa hàng bán và đổi bình gas mi ni đã qua sử dụng. Hiện nay chưa có một thống kê cụ thể nào về lượng tiêu thụ bình gas mi ni đã qua sử dụng này trên thị trường. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được với hàng trăm khu nhà trọ của sinh viên, khu tập thể công nhân lao động, hàng trăm cửa hàng lẩu, quán nướng… trên địa bàn TPHCM hoạt động tấp nập ngày đêm, thì lượng bình gas mi ni tiêu thụ trong một ngày với số lượng không hề ít. Rõ ràng, việc kinh doanh và sử dụng bình gas mi ni vẫn rất khó kiểm soát.
Những vụ tai nạn cháy nổ liên tiếp diễn ra thời gian qua đã tiếp tục gióng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai xem việc sử dụng bình gas mi ni “3 không” như một thói quen khó bỏ. Để có thể tự bảo vệ mình, người dân nên sử dụng các đồ dùng liên quan đến gas phải rõ nguồn gốc. Nhất là đang vào dịp cuối năm, hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc ngày càng nhiều, bình gas, bếp gas không nhãn mác được bày bán tràn lan với hình thức cuối năm giảm giá. Mọi người nên nắm bắt thông tin, chủ động trong việc mua và sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.