Nguyễn Thị Lệ Thủy

Thạc sĩ dừa

Thạc sĩ dừa

Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Cần Thơ nhưng Nguyễn Thị Lệ Thủy được Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò nhận vào làm các công việc không cần chuyên môn như: làm cỏ, tưới cây, nuôi cá... Cho đến một ngày nọ, một chuyên gia điều phối viên quốc tế về mạng lưới tài nguyên cây dừa (COGENT-IPGRI) đến kiểm tra dự án trồng, nhân giống dừa tại Bến Tre, nhận thấy cô thông minh và làm việc siêng năng nên bàn với Việân Nghiên cứu dầu thực vật cho cô đi du học lấy bằng thạc sĩ về dừa. Từ đây, người con gái xứ dừa có cơ hội bộc lộ tài năng của mình.

Tạo giống dừa dứa “made in Việt Nam”

Hiện Nguyễn Thị Lệ Thủy là Giám đốc Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) thuộc Viện Nghiên cứu dầu thực vật-tinh dầu hương liệu mỹ phẩm của Bộ Công nghiệp. Thủy luôn băn khoăn khi thấy nhiều vườn dừa ở Bến Tre toàn giống dừa sản lượng thấp và cô cũng rất tự ái khi nghe người ta đánh giá thiển cận: “Trung tâm cây giống như vầy mà không làm được giống mới”. Làm giám đốc sau nhiều lớp anh chị nhưng Thủy không chịu lệ thuộc việc nhập nguồn gien giống dừa bố mẹ ở nước ngoài để sản xuất giống dừa lai năng suất cao như PB 121, JVA1, JVA 2, mà luôn suy nghĩ, nghiên cứu để tìm những tố chất có hình thái tương tự ở các giống dừa địa phương từ đó lai tạo nên những giống dừa lai gốc Việt Nam cho năng suất, chất lượng cao.

Thạc sĩ dừa ảnh 1

Nguyễn Thị Lệ Thủy bên cây dừa chị lai tạo nên.

Để cho ra đời những dòng dừa lai mới, Thủy ứng dụng những kiến thức lai tạo đã học được: mỗi giống dừa có ưu điểm riêng, khi cho lai tạo sẽ có giống dừa lai mang cả hai ưu điểm của nhau. Đơn cử như dừa cao cho trái to nhưng ít trái; dừa lùn cho trái nhiều nhưng trái không lớn, hai dòng gien này lai tạo nhau sẽ cải thiện thành giống dừa cho năng suất cao, trái to. Từ đó, Thủy đã lai tạo giống dừa ta (trái to) với dừa ẻo (trái sai) thành giống dừa lai Đồng Gò 1 và dừa ta với dừa tam quan (trái sai) thành giống dừa lai Đồng Gò 2. Cả hai giống dừa lai này đều 3 năm tuổi cho trái, trái to và năng suất từ 100-130 trái/cây/năm.

Sau thành công ở hai giống dừa lai Đồng Gò, cô nghĩ đến việc lai tạo các giống dừa xiêm địa phương (xiêm xanh, xiêm đỏ, xiêm lục, xiêm núm…) với dừa dứa Việt Nam vì so với dừa dứa Thái Lan, các giống dừa xiêm địa phương có ưu điểm trội hơn là dễ đậu trái, trái sai, nước ngọt và chỉ kém hơn dừa dứa Thái Lan là không có hương thơm lá dứa. Và Thủy đã cho lai dừa xiêm Việt Nam với dừa dứa Việt Nam để có giống “dừa dứa made in Việt Nam” cho năng suất cao như dừa xiêm, nước ngọt và có hương thơm dứa hơn hẳn dừa dứa Thái Lan. Bên cạnh việc lai tạo hai giống dừa xiêm và dừa dứa Việt Nam, Thủy cũng đã lai tạo và ươm thành công giống dừa sáp lai dứa (từ giống dừa sáp của tỉnh Trà Vinh lai với dừa dứa) để cho trái dừa sáp cơm mang hương thơm đặc trưng lá dứa.

Những niềm vui bất ngờ

Khi nghe bà con nông dân điềm chỉ nơi có giống dừa cho năng suất cao, Thủy tìm đến với ý định xin lấy phấn hoa về cho lai với giống dừa có ưu điểm khác. Nhưng khi hỏi nguồn gốc, nhà vườn cho biết: “Nói thật với cô, giống dừa này tôi lấy trộm trong Trung tâm của cô đó!”. Khi đó, Thủy vui quên cả giận. Chuyện là 5 - 7 năm trước, dân trong khu vực đột nhập vào Trung tâm trộm hết giống dừa lai mà cô đã dày công lai tạo. Thủy nói: “Để biết kết quả lai tạo một giống dừa, phải mất từ 7-10 năm, vì vậy cần phải kiên trì và yêu nghề mới làm được”.

Ngày nay, giống dừa lai của Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò đã tạo được uy tín với người trồng dừa. Nhiều nhà vườn khi mua dừa giống của Trung tâm đã yêu cầu không để tem vì sợ khi trồng cây dừa giống có tem của Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò, người dân khu vực phát hiện sẽ lén ăn cắp hết về trồng. Có người đến mua dừa lai mà Trung tâm chưa có, họ nói: “Bao lâu cũng chờ”. Biết nhà vườn đặt niềm tin vào khoa học, đã tín nhiệm giống lai của Trung tâm, Thủy và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm càng lai tạo các giống dừa với tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Ngày nay, kiến thức di truyền về cây dừa của cô gái Nguyễn Thị Lệ Thủy đã được nhiều nước trên thế giới biết đến qua các lần cô đi làm tư vấn cho COGENT–IPGRI. Nhiều nước như Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Mexico… đã mời cô đến giảng bài về di truyền học ở cây dừa cho sinh viên đại học của họ.

Ngoài 30 tuổi đời mà cô Giám đốc Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò Nguyễn Thị Lệ Thủy vẫn chưa xây dựng cho mình một mái ấm riêng cũng bởi cô quá “nặng nợ” với cây dừa!  

LƯ THẾ NHÃ

Tin cùng chuyên mục