
Hiện nay, nhu cầu công nhân kỹ thuật lành nghề ngày càng tăng cao nhưng khả năng đáp ứng lại chưa như mong đợi. Tuần san SGGP Thứ Bảy đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật và công nghệ LILAMA 2 (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam-LILAMA).

Một buổi phát bằng nghề quốc tế cho các học viên của Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật và công nghệ LILAMA 2. Ảnh: C.T.V.
- Thưa ông, ông nhận định như thế nào về cung-cầu công nhân kỹ thuật hiện nay ở phía Nam?
- Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang phát triển bùng nổ với hàng loạt khu công nghiệp được thành lập mới hoặc mở rộng, đặc biệt là ở các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Do vậy, từ nay đến năm 2010, dự kiến vùng này cần từ 30.000-50.000 công nhân kỹ thuật bậc cao mỗi năm, và sau 2010 sẽ tăng gấp đôi. Thế nhưng, hiện tại, số công nhân tuyển vào sử dụng được ngay chỉ đạt khoảng 50%-60%, còn lại doanh nghiệp phải tái đào tạo.
- Theo ông, nguyên nhân từ đâu và các trường THCN, cao đẳng nói chung và riêng LILAMA 2 cần có chuyển biến gì?
- Chúng ta vẫn còn lối suy nghĩ rằng công nhân chỉ cần biết cầm búa, kìm, mỏ hàn… là được. Do vậy cứ quanh quẩn dạy những nghề truyền thống trong khi thế giới đã đi rất xa, công nhân là người vận hành, kiểm soát cả một hệ thống sản xuất tự động.
Để đạt được điều này, cần “mạnh tay” đầu tư, nâng cấp thiết bị đào tạo theo hướng cập nhật thực tế; ứng dụng phương pháp đào tạo bằng trực quan. Nhưng quan trọng nhất là quy trình đào tạo phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là yêu cầu bắt buộc khi hội nhập, lao động của ta không những chỉ làm việc được cho các nhà máy của người Việt Nam mà còn phải làm việc được ở bất cứ công trường và dây chuyền sản xuất nào trên thế giới.
Riêng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật và công nghệ LILAMA 2 vừa được nâng cấp lên hệ cao đẳng, đã đào tạo được công nhân hàn 6G theo tiêu chuẩn AWS của Mỹ, đã liên kết với một số trường đại học để đào tạo kỹ sư thực hành và cán bộ quản lý dự án, hai dạng lao động khan hiếm trầm trọng hiện nay.
Đến nay, chúng tôi là trường kỹ thuật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được công nhận là thành viên của Hội đồng Nghề Vương quốc Anh và đã có các khóa đào tạo được hãng đăng kiểm quốc tế Lloyd’s Register tổ chức cấp chứng chỉ. Nhờ đó, đã có hàng trăm học viên của trường “xuất khẩu” ngay qua Đài Loan, Nhật Bản mà không cần bổ túc tay nghề…
- Xin cảm ơn ông.
HOÀNG LIÊM