Theo kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa được công bố, 2 đảng mạnh nhất - Nhân dân châu Âu (EPP) giành được 178 ghế, Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) giành được 152 ghế. Trong khi đó, Liên minh Tự do và dân chủ cho châu Âu (ALDE) được 108 ghế, đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) giành 67 ghế…
Do số ghế giành được giảm mạnh nên lần đầu tiên trong hơn 20 năm, 2 nhóm đảng dẫn đầu là EPP và S&D đã không còn chiếm được đa số tại EP. Trong khi đó, với việc về đích vị trí thứ 3 và thứ 4, ALDE theo đường lối cực hữu và Verts/ALE có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh đa số mới.
Để giành được thế đa số, liên minh nắm quyền tại EP phải tập hợp tối thiểu 376 ghế. Trong khi đó, hiện tại nhóm đảng EPP và S&D đang nắm 330 ghế. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện một liên minh tối thiểu là 3 nhóm đảng tại EP trong nhiệm kỳ 2019-2024. Tuy nhiên, phát biểu sau khi kết quả bầu cử sơ bộ EP được công bố, lãnh đạo EPP và S&D tuyên bố sẽ không hợp tác với các lực lượng cực hữu đang nổi lên ở nhiều nước châu Âu, đồng thời kêu gọi hợp tác giữa các đảng ủng hộ một châu Âu mạnh mẽ. Theo giới quan sát, tuyên bố này đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đến nguy cơ chia rẽ, khi việc tìm được tiếng nói chung ở cơ quan lập pháp cao nhất trở nên khó khăn hơn.
Sự xuất hiện của một nhóm đảng thứ 3 sẽ tác động nhiều đến khả năng hoạch định chính sách của EP. Do đó, tìm kiếm một tiếng nói đồng thuận chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh mâu thuẫn khiến nội bộ EU chia rẽ sâu sắc phủ rộng, từ các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế đến đối ngoại…
Về mặt kinh tế, châu Âu không khỏi lo ngại một cuộc suy thoái nữa, khi đang hiện hữu tình trạng kinh tế bấp bênh ở các quốc gia thành viên, rồi đến mâu thuẫn trong việc tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.
Chưa bao giờ trong hơn 70 năm qua, từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ lại khó khăn như lúc này, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Đã vậy, châu Âu vẫn còn loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vốn đã gây ra sự xáo trộn đáng kể trong xã hội và tạo mâu thuẫn lớn giữa các nước châu Âu về cách thức xử lý…
Kết quả bầu cử đã phản ánh một thực tế trớ trêu là đảng của các nhà lãnh đạo kỳ cựu và giữ vai trò quan trọng tại châu Âu phần lớn thất bại, từ những đầu tàu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay nhân vật trung tâm trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu như Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Mặc dù môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm giúp đảng Xanh giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử EP lần này, nhưng bầu cử EP 2019 là một bước tiến nữa đối với các đảng dân túy và cực hữu, sau những thành công tại các cuộc bầu cử quốc gia gần đây. Hiện tượng này sẽ góp phần hình thành nên một nhóm quyền lực mới tại EP khiến EP khóa mới thêm nhiều thách thức.