Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) vừa ứng cứu một trường hợp thai phụ chuyển dạ sinh con trên chuyến bay đang cất cánh. Sự cố này đã gây không ít phiền hà cho hãng hàng không lẫn hành khách đi cùng.
Theo BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y dược TPHCM, đi máy bay hầu như không gây ra nguy cơ gì cho phụ nữ có thai khỏe mạnh, bởi sự giảm áp lực trong khoang máy bay (được duy trì ở mức tương đương với độ cao 5.000 - 8.000 bộ hoặc 1.524 - 2.438m) ảnh hưởng rất ít đến việc sử dụng ôxy của thai.
BS Hà cho biết, nhiều người đến khám thai cũng thắc mắc làm sao để đi máy bay an toàn và đã được bác sĩ giải đáp cặn kẽ. Trong đó, đáng lưu ý đối với một số trường hợp cụ thể không nên đi máy bay như thai phụ bị thiếu máu nặng, có bệnh sử bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc có vấn đề về nhau thai. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai bị rối loạn tiền đình hay có tiền sử các bệnh về tim mạch cũng không nên đi máy bay. Đáng chú ý, theo các bác sĩ sản khoa, nghẽn tắc mạch (có cục máu đông) là một nguy cơ thực sự của thai nghén, nhất là khi đi máy bay đường dài. Vì vậy phụ nữ có thai nếu đi máy bay phải thỉnh thoảng đứng dậy đi lại trong điều kiện máy bay đang bay bình thường và luôn co duỗi cổ chân để phòng viêm tĩnh mạch, tránh bị phù nề chi dưới.
Để an toàn cho các thai phụ, các hãng hàng không đều có quy định rõ về tuổi thai được đi máy bay. Hơn nữa, thai phụ cần được khám và chứng nhận sức khỏe trước khi lên máy bay. Theo BS Nguyễn Thị Thanh Hà, để chứng nhận sức khỏe cho thai phụ đi máy bay, giữa bệnh viện và Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) có ký kết. Theo đó, thai phụ đã được bệnh viện khám và cấp giấy chứng nhận sẽ được phép đi máy bay của hãng này.
Trong khi đó, theo đại diện của VNA, hãng luôn quan tâm đến các yêu cầu, điều kiện vận chuyển hành khách là phụ nữ có thai. Đó là không chấp nhận vận chuyển phụ nữ có thai trong thời gian 7 ngày trước hoặc sau khi sinh. Trước chuyến bay, hành khách là phụ nữ có thai phải hoàn tất các thủ tục xác nhận sức khỏe nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Thời gian mang thai từ 32 tuần trở lên hoặc không xác định được rõ thời gian mang thai hay thời gian sinh nở; trước đó đã từng sinh đôi, sinh ba...; có thể có những trục trặc trong khi sinh; có thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (khách thuộc loại này phải làm thủ tục khám sức khỏe trước chuyến bay tại bệnh viện nơi thực hiện việc thụ tinh nhân tạo và theo dõi sức khỏe của họ hoặc tại các cơ sở y tế được VNA chấp nhận).
Trong khi đó, Hãng hàng không Jestar Pacific lại có quy định khác đối với hành khách là thai phụ. Theo đó, thai phụ mang thai đến 28 tuần, hãng sẽ vận chuyển mà không cần giấy xác nhận của bác sĩ nhưng hành khách phải ký vào bản tuyên bố giới hạn trách nhiệm; mang thai từ 28 tuần tới 35 tuần, hành khách phải xuất trình giấy xác nhận của bác sĩ đủ sức khỏe phù hợp để đi máy bay và giấy xác nhận này phải còn hiệu lực (7 ngày) so với ngày khởi hành. Còn mang thai từ 36 tuần trở lên, hãng từ chối vận chuyển.
Mặc dù có quy định rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao vẫn xảy ra sự cố như vừa qua. TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, cho rằng thai phụ mang thai từ 30-32 tuần tuổi trở lên có thể sinh bất cứ lúc nào. Trong trường hợp có thể tuổi thai nhỏ hơn nhưng khi lên máy bay do thay đổi áp lực gây cơn gò tử cung và thai phụ chuyển dạ
TƯỜNG LÂM