Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã kéo theo quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh. Dẫn đến hệ quả là các nguồn ô nhiễm khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thi công xây dựng, cũng như từ sinh hoạt của nhân dân ngày càng lớn và phức tạp, độc hại. Điều đáng nói là sự ô nhiễm khí thải này đã và đang gây nên những tác động hết sức tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, nhất là những người dân sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…
Khí thải ô nhiễm tăng nhanh
Trung tâm Nghiên cứu môi trường của Trường Đại học Yale và Đại học Columbia của Mỹ đã công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, cho rằng Việt Nam nằm trong 10 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân vì nước ta chưa kiểm soát được các nguồn khí thải công nghiệp, giao thông và xây dựng đang phát sinh ngày càng lớn, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa rất nhanh.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 90 triệu người. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 1 triệu người, kéo theo xây dựng mới nhà cửa, công trình dịch vụ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho 1 triệu dân đô thị tăng lên đó.
Chưa kể việc phải sửa chữa, mở rộng và nâng cấp các công trình cũ. Do đó công trường xây dựng đã được mở ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc, thải ra rất nhiều chất thải, gây ra ô nhiễm nặng nề đối với môi trường không khí đô thị, đặc biệt là ô nhiễm bụi.
Số lượng mô tô, xe máy lưu hành trên phạm vi toàn quốc khoảng 37 triệu chiếc, ô tô khoảng 2 triệu chiếc, ước lượng từ năm 2005 đến nay, nguồn thải gây ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải tăng 2,5 lần. Riêng về công nghiệp, hiện cả nước có 289 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000ha. Hơn một nửa số khu công nghiệp trên đã được phủ kín.
Và tình trạng thiếu văn bản pháp lý đủ để kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp đã và đang khiến môi trường không khí xung quanh các khu công nghiệp phát tán theo hướng gió vào khu dân cư ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Đơn cử, chỉ tính riêng ngành công nghiệp xi măng năm 2000 sản xuất khoảng 15 triệu tấn, tiêu thụ khoảng 1,74 triệu tấn than. Đến nay, đã tăng sản lượng lên 48,6 triệu tấn xi măng và tiêu thụ khoảng 4,75 triệu tấn than. Ngành sản xuất thép năm 2000 chỉ đạt sản lượng 1,57 triệu tấn, đến nay đã đạt hơn 5 triệu tấn các loại.
Ngành nhiệt điện (đốt than, dầu, khí) tổng công suất khoảng 3.000MW vào năm 2000, đến nay đã tăng đến 10.000MW. Nếu chỉ xét riêng 3 ngành công nghiệp chủ yếu gây ô nhiễm môi trường không khí (xi măng, thép, nhiệt điện) thì sau hơn 10 năm, tổng sản lượng của 3 ngành cũng như tổng sản lượng tiêu thụ nhiên liệu và tổng lượng chất thải ô nhiễm không khí phát sinh đã tăng lên khoảng 3 lần.
Gần 4% dân số bị tổn hại sức khỏe
Ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại đáng kể đối với các ngành kinh tế, du lịch. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người bị các bệnh đường hô hấp (thường do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm từ 3% - 4% tổng dân số. 74,5% số người bị bệnh bụi phổi trên toàn quốc là công nhân của các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí và luyện kim do thường xuyên tiếp xúc với bụi.
Số liệu thống kê thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ số người bị các bệnh hô hấp ở các địa phương có trình độ phát triển nhưng ô nhiễm không khí hơn, như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng…, cao hơn từ 4 - 5 lần so với các địa phương kém phát triển như Bắc Kạn, Điện Biên.
Theo số liệu điều tra, khảo sát của Bộ GTVT, thiệt hại kinh tế do ốm đau các bệnh đường hô hấp (chi phí khám chữa bệnh, giảm thu nhập do nghỉ ốm, chi phí người chăm sóc) tính trung bình trên đầu người dân nội thành Hà Nội là 1.538 đồng/ngày, còn dân nội thành TPHCM là 729 đồng/ngày.
Đáng lo ngại hơn, Tổ chức Y tế thế giới vừa qua đã chính thức công bố, ô nhiễm không khí đã và đang là nguyên nhân gia tăng số người mắc các bệnh về ung thư.
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta hiện nay rất đáng lo ngại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Thế nhưng, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta rất yếu kém.
Đơn cử tại TPHCM - một trong những thành phố được xếp tốp 10 thành phố có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới, những trang thiết bị cần thiết cho việc quan trắc chất lượng không khí gần như không có. 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động đã bị hư hỏng hoàn toàn từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư thay mới.
Số liệu quan trắc không khí của thành phố hiện đang phải dựa vào quan trắc bán tự động nên thông tin không đáng tin cậy. Đặc biệt là không dự báo được xu hướng diễn biến chất lượng không khí...
Tương tự, tình trạng thiếu trang thiết bị quan trắc chất lượng không khí trên đang rất phổ biến tại nhiều tỉnh thành khác. Và nếu tình trạng này không được các cơ quan chức năng sớm khắc phục thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân.
PGS NGUYỄN ĐINH TUẤN
(Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM)