Thời tiết đang có những dấu hiệu rất bất thường đòi hỏi cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, quan trắc để phòng từ xa. Nhưng làm cách nào để giảm thiểu những rủi ro không đáng có từ thảm họa? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải (ảnh), Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT) xoay quanh vấn đề đang nóng hổi này.
* Phóng viên: Thưa ông, hiện tượng mưa lũ kỷ lục và hoành hành nhiều ngày nay ở miền Bắc có phải là dấu hiệu của thời tiết bất thường không?
* Ông Lê Thanh Hải: Mặc dù thời tiết mang tính quy luật nhưng những gì đang diễn ra không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Tây Nguyên… là dấu hiệu của hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, khắc nghiệt hơn mà chúng ta không thể thờ ơ, coi thường. Trong nhiều năm gần đây, chúng ta liên tục đón nhận những hình thái thời tiết khác lạ hơn so với trước, như rét đậm rét hại ở miền Bắc và miền Trung đều đạt kỷ lục, băng tuyết ở Sa Pa (Lào Cai) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng chưa từng có những cảnh tượng xảy ra trước đó. Hạn hán thì ngày càng khốc liệt trên diện rộng.
Ngay từ đầu năm 2015 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn còn tiếp diễn. Chưa năm nào lại xảy ra mưa trái mùa như ở Quảng Ngãi vào giữa mùa khô (tháng 3-2015), suốt nhiều tháng qua hạn hán đã hoành hành ở các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh ở Tây Nguyên… và bây giờ là mưa lũ lớn ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên… Một lần nữa, các hiện tượng thời tiết cực đoan đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp thật chủ động để “sống chung” hoặc ứng phó hợp lý.
* Điều kỳ lạ là năm nay, đến thời điểm này số lượng cơn bão hầu như không có ảnh hưởng, nhưng mưa lũ lại trở thành tác nhân gây nên những thiệt hại nặng nề ngoài dự đoán…
* Ngay từ đầu năm, cơ quan khí tượng đã đưa ra bản dự báo số lượng cơn bão năm nay sẽ ít, đến thời điểm này mới chỉ có 2 cơn bão trong khi mọi năm là 4 - 5 cơn, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dấu hiệu El Nino. Điều mà tôi muốn nói là, từ trước tới nay hầu như chúng ta quan niệm chỉ có bão và áp thấp nhiệt đới mới gây nguy hiểm cho tính mạng người và tài sản, nhưng qua thực tế các cơn bão lớn và nhỏ trong những năm gần đây cho thấy, những thiệt hại trong khi bão đổ bộ đều rất ít do các cơ quan chức năng và người dân đều nêu cao tinh thần chủ động phòng tránh và đón bão. Tuy nhiên sau đó, những thiệt hại như chết người, sạt lở đất đá vùi lấp nhà cửa, hoa màu, trang trại chăn nuôi, đường sá, cầu cống… lại chủ yếu diễn ra trong các đợt mưa hoàn lưu sau bão và áp thấp nhiệt đới. Bởi không ít người dân và địa phương có tâm lý coi thường mưa lũ, coi mưa gió là “chuyện thường ngày của nhà nông” nên không đáng sợ… nhưng chỉ một phút sơ sểnh là ảnh hưởng tới tính mạng; công tác quản lý theo dõi không tốt cũng sẽ gây những thiệt hại nặng nề về hoa màu nông sản, công trình xây dựng…
Và không chỉ những đợt mưa hoàn lưu của bão - áp thấp nhiệt đới mà những đợt mưa ảnh hưởng của rãnh áp thấp (ở cấp độ thấp hơn) những năm gần đây cũng gây ra hiện tượng sạt lở núi, đất đá, lũ quét… và đã có không ít người bị thiệt mạng.
Mưa lũ quay trở lại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-8 làm nhiều nơi ngập nặng.
* Tại sao bây giờ chỉ là một đợt mưa do ảnh hưởng của rãnh áp thấp ở cấp nhỏ cũng có thể gây sạt lở, lũ lụt, thưa ông?
* Trước đây, mưa lũ từ sông đổ về thường xảy ra sau các đợt bão lớn hoặc áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đổ bộ, nhưng bây giờ chỉ mưa lớn theo mùa cũng gây thiệt hại vì thực ra môi trường của chúng ta đã bị thay đổi quá nhiều so với trước. Tất nhiên như đợt mưa đang diễn ra ở miền Bắc là một xác nhận kỷ lục nhưng trước đó, có những đợt mưa chỉ ở mức 150 - 200mm cũng gây sạt lở, đất đá từ núi vùi vào nhà dân, gây thiệt mạng… vì hệ sinh thái như rừng bị tàn phá trên diện rộng, công trình xây dựng, công trình giao thông… đang thi công ở khắp nơi, đất bị xói mòi, kết cấu lỏng lẻo nên chỉ mưa khoảng 2 - 3 ngày liên tục là nứt và sạt lở. Đất trống đồi trọc cũng làm cho độ dốc dòng chảy lớn, lũ về nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Hệ sinh thái (rừng, hồ điều hòa tự nhiên, sông ngòi) và các hiện tượng thời tiết như mưa lũ bão có mối quan hệ liên hoàn vốn dĩ mang tính cân bằng nhưng chỉ cần quy hoạch sai, làm mất cân bằng sẽ gây đảo ngược quy luật.
Như ở trên đã đề cập, mưa lớn tại tỉnh Quảng Ninh và các đô thị ven biển trong lịch sử đã từng xảy ra nhưng chưa bao giờ gây ngập lụt vì rừng còn nhiều, các mỏ tài nguyên chưa bị khai thác quá mức như bây giờ, đô thị cũng không phát triển lớn như hiện nay… Còn như hiện tại, đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch và làm xáo trộn hệ sinh thái, rừng bị mất, khai thác khoáng sản, hệ thống tiêu thoát thủy lợi xuống cấp, không đồng bộ… Đành rằng thảm họa vừa xảy ra là do thiên tai nhưng cũng có một phần do “nhân tai”, nếu không muốn nói là 50 - 50.
Để chủ động lo sống chung với thiên tai thảm họa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu… theo tôi cần phải có chiến lược về quy hoạch phòng chống thiên tai và các hiện tượng cực đoan một cách bài bản, nếu không quy hoạch hợp lý thì có đầu tư bao nhiêu công trình, dự án chống lũ, chống ngập và sạt lở cũng khó hiệu quả, chỉ mang tính chắp vá và tình thế. Ví dụ như ở tỉnh Quảng Ninh, cần quy hoạch lại các mỏ khai thác, các bãi chứa chất thải, các hồ thủy lợi nằm trong quy hoạch và tự phát, thực hiện hoàn nguyên môi trường khi khai thác khoáng sản… Các đô thị và địa phương khác cũng tương tự, cần phải có cái nhìn dài hơi và đồng bộ về quy hoạch đô thị, quy hoạch tiêu thoát nước và thoát lũ, chống nước biển dâng, hạn hán...
* Còn về công tác dự báo để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, theo ông, chúng ta đã làm tốt chưa?
* Hiện nay chúng ta mới chủ yếu chủ động dự báo, cảnh báo được các hiện tượng thời tiết thông thường và các cơn bão - áp thấp nhiệt đới, chính xác trong vòng 3 - 10 ngày và dự báo theo mùa, theo tháng. Tuy nhiên, đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất, mưa kỷ lục… thì không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác, kể cả các nước có tiềm lực đầu tư mạnh như Mỹ, Nhật Bản… cũng chưa thể chủ động dự báo sớm được.
Tuy vậy, cơ quan khí tượng chúng tôi luôn nỗ lực để làm hết mình trong công tác dự báo. Theo tôi, để công tác phòng chống thiên tai thảm họa, có thể chủ động ứng phó, cần phải nâng cao sự cảnh giác của mọi người dân, đặc biệt là ở những nơi nguy hiểm, có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở… Mỗi khi có thông tin được công bố, chính quyền các địa phương cần tìm mọi cách thông tin, hỗ trợ bà con thông qua nhiều kênh như loa truyền thanh, thậm chí cử hẳn cán bộ, lực lượng chức năng về từng thôn bản, khu dân cư để nhắc nhở và xử lý các trường hợp còn chủ quan, lơ là coi thường thảm họa. Cùng với quy hoạch lại các khu dân cư và di dời ra khỏi nơi nguy hiểm từ phía chính quyền địa phương, bản thân mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác mưa lũ, thiên tai - thời tiết cực đoan, giảm những thiệt hại không đáng có từ “nhân tai”.
* Xin cảm ơn ông!
PHÚC HẬU (thực hiện)