PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa:
LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, một lần nữa thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đi đôi với mục tiêu phát triển kinh tế. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM, Báo SGGP tiếp tục khởi xướng thực hiện chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” với nhiều hình thức, bắt đầu bằng chuyên trang cùng tên. Chuyên trang ra định kỳ thứ năm hàng tuần trên trang 3 Báo SGGP (báo in) và trên SGGP online, nhằm chuyển tải các nội dung, giải pháp liên quan đến việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt.
Báo SGGP trân trọng đón nhận các ý kiến, hiến kế của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức, các nhà văn hóa, khoa học ở trong và ngoài nước, cũng như bạn bè quốc tế… góp phần giúp TPHCM sớm thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa
Không là phép cộng đơn thuần
° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hàng năm và cả nhiệm kỳ, TPHCM đều xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Giờ đây, để xây dựng “TPHCM có chất lượng sống tốt”, chúng ta cần có các tiêu chí. Có sự khác biệt gì giữa các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với các tiêu chí của một TP có chất lượng sống tốt?
° PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Chúng ta đang xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ba yếu tố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” đã hình thành từ chính quá trình phát triển TP trong những năm qua, nên hiện nay TP mong muốn nâng lên thành “TP có chất lượng sống tốt”. Thật ra, “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” đều hướng đến TP có chất lượng sống tốt. Hay nói ngược lại, “có chất lượng sống tốt” là đã bao gồm “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Các TP sống tốt trên thế giới đều là các TP rất văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Hiện nay, có một cách tiếp cận, cách làm… không phù hợp là chúng ta mang cái cụm “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” chia làm 4 để đo đếm. Văn minh, hiện đại là có metro, có hạ tầng, có đường rộng, nhà cao ra sao; còn nghĩa tình là như thế nào thì… không ai đo đếm được! Cách tiếp cận chia thành từng cụm từ, rồi mang nguyên bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP, như các chỉ số GDP, ICOR… để đưa vào 4 vế trên là cách làm không phù hợp, chưa chuẩn xác. Đây không phải là phép cộng đơn thuần của các tổ hợp chỉ tiêu. Sự thiếu chuẩn xác này là do có sự nhầm lẫn giữa bộ tiêu chí “có chất lượng sống tốt” với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm… trong khi hai cái không phải là một.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
° Vậy, phân biệt thế nào, thưa ông?
° Rất dễ hiểu, các tiêu chí xây dựng “TP có chất lượng sống tốt” là các tiêu chí chung để vận động quần chúng, để mọi người, mọi giới cùng làm, cùng phấn đấu thực hiện vì lợi ích của chính chúng ta. Ví dụ như không xả rác, không đi xe trên vỉa hè, không đi bộ dưới lòng đường… Còn bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội là quyết tâm, là việc của Đảng bộ, chính quyền TPHCM phải làm để phục vụ người dân. Chẳng hạn, muốn người dân không đi xe trên vỉa hè, không đi bộ dưới lòng đường thì TP phải có quyết định quản lý, có chỉ tiêu phát triển hạ tầng ra sao để có chỗ cho người đi bộ. Mở mang, kiến thiết, kiểm soát vỉa hè là việc của nhà quản lý, không phải việc của người dân; người dân chỉ chấp hành không đi xe, không buôn bán trên vỉa hè thôi. Hai bộ chỉ tiêu kinh tế - xã hội và tiêu chí xây dựng TP có chất lượng sống tốt sẽ có điểm giống nhau, có chỗ giao nhau nhưng là hai chứ không phải là một hoàn toàn. Cũng có khi các tiêu chí và chỉ tiêu là một, chẳng hạn tiêu chí 100% người dân sử dụng nước sạch.
° Theo ông, cách tiếp cận như thế nào mới ổn?
° Ở trên tôi đã trao đổi, một TP sống tốt là TP đã bao trọn các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình rồi. Trên thế giới, các nước đã có một số bộ tiêu chí về TP có chất lượng sống tốt. Bộ tiêu chí này rất rõ ràng, dễ hiểu. TPHCM có thể tham khảo trên nền tảng đó rồi gia giảm, điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện, trình độ của TP. Ví dụ, có những tiêu chí của thế giới, với các TP khác thì rất bình thường nhưng với TPHCM thì cần nhấn mạnh, bôi đậm lên để thực hiện, như không xả rác chẳng hạn. Bộ tiêu chí của các TP sống tốt trên thế giới có thể là cái đích chúng ta hướng tới, chúng ta phấn đấu theo những tiêu chí đó và gặp được cái chung “sống tốt” của cộng đồng quốc tế. Đó là cái nóc chúng ta tìm tới. Như vậy, rất dễ hiểu, dễ làm và dễ so sánh với chính bản thân mình và so sánh với các TP khác. Chứ đem chia làm 4 như hiện nay thì quả là không giống ai.
Có ý kiến cho rằng khía cạnh “nghĩa tình” là của riêng TPHCM - Việt Nam. Thật ra, nghĩa tình là cách ứng xử giữa con người với con người, sống thân mến, giúp đỡ lẫn nhau… Các TP trên thế giới, họ không nói ra, nhưng hẳn nhiên là đã có phạm trù đó trong “TP sống tốt” rồi. Vậy đơn giản là hãy làm tốt những tiêu chí mà cả thế giới đã rà soát, đã đánh giá, đã thừa nhận để 5 năm nữa, 10 năm nữa, TPHCM cũng là TP có chất lượng sống tốt như những đô thị tầm vóc trên thế giới đã làm được.
Cần xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả
° Người dân có thể cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt như thế nào?
° Người dân cần và phải tham gia để thực hiện các tiêu chí này. Vì việc xây dựng TP có chất lượng sống tốt chính là vì lợi ích của người dân, đáp ứng đòi hỏi của người dân. Áp dụng theo bộ tiêu chí của các TP trên thế giới thì các tiêu chí này rất gần gũi như không xả rác, không đào bới lung tung, không xây dựng trái phép, không đi bộ dưới lòng đường… Ai cũng có thể góp sức làm được!
° Theo ông, đâu là điều quan trọng nhất để xây dựng thành công TPHCM có chất lượng sống tốt?
° Thật sự, chúng ta phải hiểu, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt không phải là làm để chạy theo thế giới, không phải là thấy người ta làm mình cũng làm. Mà việc xây dựng TP có chất lượng sống tốt xuất phát bởi chính nhu cầu của người dân TP. Chúng ta không thể mãi sống chung với ngập nước, kẹt xe, với lấn chiếm vỉa hè, với quá tải ở bệnh viện, trường học hay tham nhũng vặt… Cải thiện điều đó là nhu cầu, là đòi hỏi của mỗi người dân TP và của tất cả chúng ta.
Để xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt thì đầu tiên chúng ta phải có hướng tiếp cận đúng và sau đó là có bộ tiêu chí của TPHCM. Khi có đích để phấn đấu thì cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân phải cùng làm, việc ai nấy làm. TPHCM có thế mạnh là người dân cần cù, yêu lao động, chịu thương chịu khó học hỏi, làm lụng; cư dân TP sinh sống trong vùng địa lý thuận lợi, trên bến dưới thuyền. Đó là “điều kiện đủ” trong việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt. Và để kích thích, phát huy được các điểm mạnh đó, lại cần “điều kiện cần” là sự minh bạch của chính quyền. Điều quan trọng nhất là chính quyền phải thật sự công minh, công khai, minh bạch trong các hoạt động, nâng cao trách nhiệm giải trình, cải cách hành chính mạnh mẽ để phục vụ tốt người dân. Nếu có được “điều kiện cần” thì tự xã hội sẽ phát triển. Hội tụ được cả hai điều kiện thì TPHCM sẽ xây dựng thành công TP có chất lượng sống tốt. Nếu không có “điều kiện cần” thì dù người dân có cần cù, chịu khó học hỏi song họ cũng sẽ không tin cậy, không hợp tác, không thực hiện các tiêu chí. Vấn đề là làm sao để dân tin, dân ủng hộ. Muốn tin, muốn ủng hộ thì mọi chuyện phải công khai, minh bạch.
° Một điểm có thể gọi là hạn chế của không riêng TPHCM là một số chính sách, mục tiêu rất hay nhưng khi thực hiện chỉ hiệu quả bước đầu, còn kết quả cuối cùng và hiệu quả của việc thực hiện ra sao nhiều khi chúng ta không đo được. Với việc xây dựng TP có chất lượng sống tốt, chúng ta cần làm gì để có được thành tựu mà không bước vào lối mòn đó?
° Chúng ta cần có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên, cụ thể. Tất nhiên không phải là giám sát bàn giấy, đến cơ sở nghe báo cáo qua loa rồi về. Mà nhóm giám sát cần phải kết nối với nhóm xây dựng tiêu chí và thực hiện tiêu chí. Chẳng hạn, TP có tiêu chí người dân không đi bộ dưới lòng đường hoặc đi xe máy trên vỉa hè. Nhưng 5 năm nữa, người dân vẫn đi bộ dưới lòng đường và đi xe máy trên vỉa hè, thì anh giám sát phải biết việc làm đường sá, điều chỉnh giao thông đến đâu rồi. Chứ đường không có, phân luồng không khoa học, người ta cứ chạy xe máy trên vỉa hè thì làm sao đạt được tiêu chí. Vậy cơ chế từ giám sát chuyển sang điều hành thế nào để giải quyết vấn đề? Công tác điều hành đòi hỏi cần linh hoạt, hiệu quả. Có khả năng, mấy quận trung tâm TP sẽ đạt các tiêu chí trước mấy quận, huyện vùng ven và ngoại thành. Lúc đó, dòng tiền, nguồn lực phải được điều chỉnh về mấy quận, huyện vùng ven, ngoại thành để các nơi xa xôi đạt được các tiêu chí đó. Chỗ nào yếu hơn thì phải tăng cường.
° Trân trọng cảm ơn ông!
VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)
Các tin, bài viết khác
- Hãng taxi Vinasun kiểm điểm, xử lý nghiêm tài xế bỏ rơi sản phụ
- Đồng ý chủ trương thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM
- Trưng bày hơn 400 hình ảnh, tài liệu về nỗi đau da cam
- Giảm 10% - 20% phí đường bộ với một số phương tiện
- Bớt "tư duy từ thiện" để làm từ thiện đúng nghĩa
- Xoài có hạt như ni lông là xoài thật
- Lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 213.000 đồng
- TPHCM đề xuất đặt tên đường Võ Chí Công, Võ Trần Chí, Nguyễn Cơ Thạch
- Vietnam Airlines khắc phục xong sự cố tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
- Từ hôm nay, điều chỉnh mức phạt đối với 152 hành vi vi phạm giao thông đường bộ