“Tham nhũng” thành tích

Nhiều năm làm trong cơ quan nhà nước, tôi nhận thấy quy chế thi đua chậm thay đổi và ở nhiều nơi việc bình bầu các danh hiệu thi đua vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất. Nhiều người thậm chí có ấn tượng với việc “sếp” dễ dàng nhận danh hiệu thi đua hơn lính nên chẳng mặn mà làm báo cáo, chứng minh hiệu quả công việc của mình.

Nhiều năm làm trong cơ quan nhà nước, tôi nhận thấy quy chế thi đua chậm thay đổi và ở nhiều nơi việc bình bầu các danh hiệu thi đua vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất. Nhiều người thậm chí có ấn tượng với việc “sếp” dễ dàng nhận danh hiệu thi đua hơn lính nên chẳng mặn mà làm báo cáo, chứng minh hiệu quả công việc của mình.

Một số khác có lòng tự trọng thì tự an ủi cứ cố gắng làm tốt công việc của mình, không cần khen thưởng, vinh danh. Cứ nhìn vào danh sách hàng năm được các cấp tuyên dương khen thưởng danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc, sẽ thấy tỷ lệ nghiêng về cán bộ lãnh đạo thường cao hơn người lao động trực tiếp, công nhân kỹ thuật. Chính vì thế, nhiều người vừa nói vui vừa ngậm ngùi là chiến sĩ thi đua hay “sĩ quan thi đua?”. Khi các sếp hay cán bộ quản lý dành quyền ôm hết danh hiệu thi đua, trong khi người làm việc nghiêm túc, hiệu quả, có nhiều sáng kiến cống hiến, tạo ra giá trị gia tăng cho đơn vị lại bị đứng ngoài lề sẽ dẫn đến điều gì? Đó là niềm tin bị thui chột và nhiệt tình bị mai một.

Không phải đến bây giờ, nhiều cán bộ - công nhân viên chức - người lao động mới nhìn thấy những bất cập trong quy chế thi đua khen thưởng cũng như chuyện bình bầu thiếu thực chất, công tâm, thậm chí nghiêng về một nhóm lợi ích của cơ quan, đơn vị. Mổ xẻ căn bệnh này, dễ thấy nguyên sâu xa chính là bệnh thành tích, chạy đua quyền lực của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo. Để được cất nhắc, bổ nhiệm vào vị trí công việc cao hơn, họ phải có bảng lý lịch đẹp với nhiều thành tích thi đua, danh hiệu thi đua. Và để có được nó, họ tự tô vẽ thêm thành tích, hoặc cộng thêm thành tích của cấp dưới, đồng nghiệp của tập thể. Đáng nói hơn cả là nhiều nơi, cán bộ quản lý hay lãnh đạo còn có tư duy ấu trĩ, sợ cấp dưới giỏi hơn mình, thành tích thi đua sáng hơn mình nên tìm cách lu mờ hình ảnh của họ.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người lao động đã bức xúc, ngậm ngùi khi nhìn thấy danh hiệu thi đua cao quý như chiến sĩ thi đua cấp TP, tỉnh hay toàn quốc chỉ dành cho “sếp”, các vị trí quản lý, lãnh đạo. Thậm chí, danh hiệu chiến sĩ thi đua cứ duy trì hết năm này đến năm khác. Sự lạm dụng phần thưởng hay còn gọi là một dạng “tham nhũng” thành tích như nêu trên rất đáng báo động. Như thế lỗi từ đâu và lỗ hổng trong công tác thi đua cần phải được chấn chỉnh như thế nào? Để những người xứng đáng được tôn vinh, đón nhận những danh hiệu chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến tỉnh, TP và toàn quốc, rất cần sự soi rọi, bình bầu, xét duyệt đúng tiêu chuẩn. Đối với những trường hợp làm sai quy định về khen thưởng, thi đua, dù ở cương vị nào cũng phải thu hồi danh hiệu và xử lý theo pháp luật.

Đã đến lúc dẹp bỏ tư duy hình thức, những loại thành tích ảo, thành tích thiếu trung thực để tạo bầu không khí thi đua thực, làm việc thực.

THANH DIỆU

Tin cùng chuyên mục