Tham vấn nông dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai của Việt Nam, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải dựa vào những vướng mắc thực tế khi thi hành luật thời gian qua và nguyện vọng của người dân. Việc Chính phủ lấy ý kiến người dân theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu từ tháng 2 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để tiếng nói của người dân được lắng nghe. Với sự nỗ lực chung, Viện Nghiên cứu Lập pháp và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ một số tổ chức chính trị xã hội và phi chính phủ địa phương thực hiện các buổi tham vấn cơ sở tại 4 tỉnh về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tham vấn nông dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai của Việt Nam, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải dựa vào những vướng mắc thực tế khi thi hành luật thời gian qua và nguyện vọng của người dân. Việc Chính phủ lấy ý kiến người dân theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu từ tháng 2 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để tiếng nói của người dân được lắng nghe. Với sự nỗ lực chung, Viện Nghiên cứu Lập pháp và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ một số tổ chức chính trị xã hội và phi chính phủ địa phương thực hiện các buổi tham vấn cơ sở tại 4 tỉnh về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

  • Cách làm mới

Ngày 31-1 tại UBND tỉnh Long An, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An và Tổ chức Oxfam đã tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng tại Long An về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài việc dành cho người dân thuộc các xã, huyện nêu lên những thực tế vướng mắc, các cơ quan cấp xã và huyện cũng đã trao đổi lại và khẳng định ý kiến của nông dân là chính xác, từ đó đồng kiến nghị các vấn đề cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Ông Đặng Minh Lũy, nông dân thị trấn Mộc Hóa phản ánh khung giá đền bù tại địa phương chưa thống nhất. Ông đưa ví dụ cụ thể: Dự án Cụm tuyến dân cư Ao Lục Bình vượt lũ được quy hoạch từ năm 2003, cùng một dự án nhưng có hộ được áp giá 20.000 đồng/m2, có hộ được áp giá đến 300.000 đồng/m2. “Dự án được thực hiện từ năm 2003, sau đó không biết tại sao dừng lại, mãi đến năm 2010 mới thực hiện tiếp. Hiện nay người dân muốn tái định cư tại chỗ phải mua với giá 1,8 triệu đồng/m2 dân không thể mua nổi” - ông Lũy cho biết. Ông Nguyễn Thành Tư, nông dân tại xã Đức Hòa Hạ cũng phản ánh: Trên địa bàn xã được cơ quan chức năng phê duyệt thành lập 3 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp, chiếm 70% diện tích tự nhiên của xã với khoảng 2.786 hộ (68% toàn xã) dân bị ảnh hưởng. Theo ông Tư, phương án đền bù giữa các dự án chênh lệch quá nhiều nên dễ gây ra tâm lý so bì. Cụ thể, các hộ dân thuộc dự án KCN Tân Đức ngoài đền bù theo khung giá đất, người dân còn được mua nền đất ưu đãi và chủ đầu tư lo luôn tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, những KCN khác như Hải Sơn, Tân Đô, người dân chỉ được bồi thường đất, người dân phải có nhà trên đất mới được bố trí tái định cư, khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì người dân phải tư lo nên sinh ra tâm lý so bì.

Một buổi tham vấn cộng đồng do Oxfam tổ chức.

Một buổi tham vấn cộng đồng do Oxfam tổ chức.

Liên quan đến kiến nghị tăng mức hạn điền của nông dân, đại diện Sở TN-MT tỉnh Long An đồng tình cho rằng đặc thù ở miền Nam là đất do cha mẹ, ông bà khai hoang từ trước để lại cho con cháu chứ không phải do Nhà nước phân chia. Hiện mức hạn điền bị hạn chế 3ha, các hộ gia đình có đất vượt hạn điền phải chuyển sang thuê. Bên cạnh đó, trường hợp đất khai hoang trước thời điểm 1993, có gần 20ha đất nhưng chỉ thế chấp được 3ha vì phần còn lại bị đóng dấu “vượt hạn điền” nên người dân bức xúc. Từ những vướng mắc nêu trên, nông dân, chính quyền địa phương tỉnh Long An cùng kiến nghị: tăng hạn điền trên 3ha, tăng hạn mức đất ở lên trên 400m2, tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp từ 20 năm lên khoảng 50 - 70 năm…

  • Lắng nghe dân

Trong buổi tham vấn tại Long An, nhiều nông dân cũng phản ánh khi áp giá đền bù để thực hiện dự án, người dân không được hiệp thương mà chỉ được gọi lên nhận tiền đền bù. “Đáng ra phải cho chúng tôi tham gia ngay từ khi lập quy hoạch chứ đến khi chúng tôi biết có quy hoạch dự án thì mọi việc đã rồi” - đại diện nông dân xã Đức Hòa Hạ bức xúc. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Sáu cũng cho rằng, phải để người dân tham gia góp ý ngay từ đầu và nêu nguyện vọng của mình. “Nếu Nhà nước quyết định khác với nguyện vọng của họ thì cũng phải giải thích rõ lý do tại sao và công khai cho người dân biết” - ông Sáu góp ý.

Kết thúc buổi tham vấn, TS Đinh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao cách thực hiện tham vấn của tỉnh Long An: có cách tham vấn khoa học, các ý kiến của nông dân và chính quyền địa phương có sự thống nhất cao và tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Từ những buổi tham vấn ý kiến của người dân tại các vùng miền về thời hạn giao đất nông nghiệp, TS Đinh Đức Thảo cho rằng, thời hạn giao đất nông nghiệp nên có quy định cho từng vùng miền (tùy thuộc vào việc quỹ đất vùng đó ít hay nhiều) vì một số tỉnh miền Bắc đề nghị chỉ giao trong vòng 10-15 năm, trong khi các tỉnh miền Nam lại kiến nghị kéo dài thời hạn. TS Thảo cho biết, các ý kiến góp ý của người dân rất xác thực, ban tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ gửi đến từng đại biểu trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi.  

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục