Điền kinh Trung Quốc vốn luôn chiếm ưu thế áp đảo trong các kỳ Asian Games kể từ năm 1986 đến nay (Asian Games 1982 ở Ấn Độ là lần gần nhất mà điền kinh Trung Quốc chấp nhận lép vế hơn một chút so với đối thủ Nhật Bản - chỉ xếp hạng nhì với 12 HCV, thua Nhật Bản 3 HCV). Ở Asian Games 2010 tại Quảng Châu này, với lợi thế sân nhà cùng sự ủng hộ từ đông đảo CĐV, điền kinh Trung Quốc rất muốn duy trì tham vọng vàng của mình trong lần thứ 7 liên tiếp…
HLV trưởng đội tuyển điền kinh Trung Quốc - ông Feng Shuyong (cũng là Phó Chủ tịch LĐĐK Trung Quốc) thậm chí còn hùng hồn cho biết: “Mục tiêu cơ bản của cả đội tuyển điền kinh Trung Quốc là giữ vững vị trí dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương, đặc biệt là số HCV của môn điền kinh. Nói chung thì tình thế sẽ diễn biến khá phức tạp trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, nhưng đối thủ chủ yếu của chúng tôi ở đây đương nhiên vẫn là điền kinh Nhật Bản”.
Ở Doha 4 năm trước, điền kinh Trung Quốc giành được 14 HCV, xếp đầu bảng tổng sắp huy chương. Đứng ở các vị trí thứ 2, thứ 3 và thứ 4 là Bahrain (với 6 HCV), Nhật Bản (với 5 HCV) và Arabia Saudi (5 HCV). Ông Feng Shuyong còn nói thêm: “Từ Asian Games 1982 trở về trước, thể thao Nhật Bản - luôn chiếm ưu thế ở Đại hội thể thao châu Á. Nhưng chả sao cả, ở các kỳ Asian Games hay các ở sự kiện thể thao lớn khác, màn trình diễn của các VĐV của chúng tôi mới chính là điều đáng quan tâm. Chúng tôi hy vọng các VĐV của mình có thể tập trung vào việc luyện tập, và không cảm thấy có quá nhiều áp lực trước việc phải thi đấu trước CĐV nhà”.
|
“Siêu sao” chạy vượt rào Liu Xiang (Lưu Tường) bất chấp việc chính bản thân bị che mờ bởi những nghi hoặc về tình trạng chấn thương thật sự (và cả việc phải hứng chịu một số bất mãn từ những CĐV Trung Quốc khi hoài nghi Liu Xiang nghiễm nhiên lấy vé tham dự Asian Games vì sự ưu ái của CAA dù anh này không có thời gian tập luyện nhiều do chấn thương) - vẫn sẽ là niềm hy vọng vàng của điền kinh Trung Quốc. Liu Xiang là cựu VĐTG (Osaka 2007) và Olympic (Athens 2004), từng lập KLTG ở nội dung 110 mét vượt rào tại giải Lausanne Super Grand Prix vào năm 2006 với thành tích 12 giây 88 (anh cũng là người thứ 6 trong lịch sử 110 mét rào thế giới chạy dưới 13 giây).
Ở Olympic Bắc Kinh 2008, Liu Xiang phải bỏ cuộc ngay trước khi tham gia đường chạy vòng loại đầu tiên, dù trước đó anh đã khởi động khá… khí thế. Sau vụ việc này, dư luận đã đưa ra nhiều chỉ trích cho rằng: do áp lực của Nhà tài trợ Nike, do sức ép từ đám đông CĐV Trung Quốc, các quan chức điền kinh của CAA đã không dám công bố thông tin là Liu Xiang chưa hồi phục chấn thương trước thềm giải đấu và không thể tham dự Olympic. Nỗi lo từ Olympic vẫn kéo dài đến bây giờ.
Tuy nhiên, VĐV nổi tiếng này tỏ ra rất tự tin trước cơ hội thắng HCV Asian Games lần thứ 3 liên tiếp. Trước khi Asian Games 2010 khai mạc, Liu Xiang nói: “Tôi muốn giành chiến thắng ở kỳ Asian Games lần thứ 3 và mang về thêm cho thể thao, cho đất nước Trung Quốc 1 chiếc HCV nữa. Tôi đã đạt phong độ rất tốt trong thời gian gần đây và tôi muốn lấy lại cảm giác trên đường chạy của mình. Đối thủ lớn nhất trong mỗi cuộc đua chính là bản thân tôi, và tôi nghĩ rằng sự tự tin sẽ được xác lập dựa trên năng lực thật sự”.
Nội dung 110 mét vượt rào là một trong những thế mạnh đáng kể nhất của điền kinh Trung Quốc. Ngoài Liu Xiang, 1 VĐV Trung Quốc khác là Shi Dongpeng (xếp hạng 2 Trung Quốc, từng hạ chính Liu Xiang ở giải Thượng Hải Diamond League hồi tháng 5 năm nay) cũng là ứng cử viên nặng ký cho chiếc HCV. Trong khi đó, những VĐV điền kinh Trung Quốc khác có khả năng thắng HCV rất cao là Wang Hao (đương kim VĐTG môn đi bộ cự ly 20 km nam), Bai Xue (chạy 10.000 mét nữ), Zhou Chunxiu (marathon), Zhang Wenxiu (ném tạ xích) và Li Yanfeng (đương kim VĐTG môn ném đĩa nữ)…
ĐỖ HOÀNG