* Sẽ phê chuẩn Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP mới tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (từ 21-10 đến 30-11)
Việc các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị loại khỏi quy hoạch là một bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí. Đây là quan điểm của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng như nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 14-10 về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên cả nước.
Loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện nhỏ
Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày tại phiên họp, tính đến tháng 9-2013, đã có 6 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang (395 MW) và 418 DATĐ nhỏ (1.174,49 MW) bị loại khỏi quy hoạch, do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW).
Cơ quan có thẩm quyền cũng quyết định tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 DATĐ bậc thang (208 MW) và 132 DATĐ nhỏ (915,7 MW). Cùng với đó, 149 DATĐ nhỏ (1.344,8 MW) và 9 DATĐ bậc thang (551 MW) đang tiếp tục được xem xét, đánh giá.
Báo cáo thừa nhận, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm nên một số DATĐ nhỏ không đảm bảo khả thi. Bên cạnh những đóng góp kinh tế - xã hội, việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội.
Tăng cường quản lý, kiểm tra
Qua thẩm tra, Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội nhận định, cho đến nay trên 90% tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện ở nước ta đã được khai thác và cơ cấu nguồn thủy điện có xu hướng giảm dần. Cơ quan thẩm tra đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ ngành và của các địa phương có liên quan trong việc loại bỏ những dự án không phù hợp và nhấn mạnh, số lượng các DATĐ nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Số liệu trong báo cáo cho thấy số DATĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch là tương đối lớn (khoảng 37% tổng số dự án trong quy hoạch). Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Đáng lưu ý, việc thu hút các nguồn vốn khác nhau để thực hiện quy hoạch là cần thiết nhưng phải đi đôi với việc quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Ngoài ra, quy hoạch thủy điện nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, DATĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch, mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Cần làm rõ nguyên nhân đồng thời rút ra những những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ông Dũng cho rằng: “Cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp”.
Thảo luận về vấn đề này tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về công tác quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện công trình vẫn tạm dừng tích nước hồ chứa để theo dõi. “Lợi ích của người dân là chính, lợi ích phát điện tính sau” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tiếp tục yêu cầu “hoàn thiện bức tranh chung về đồng bào vùng di dân tái định cư làm thủy điện” và cho rằng điều kiện sản xuất của đồng bào ở các khu vực này vẫn rất khó khăn. Ông Ksor Phước đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với hai bộ có liên quan là Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT làm rõ tại sao không thể bố trí được đất trồng rừng thay thế. Theo ông, giải quyết tốt khâu này không chỉ là bảo vệ được môi trường mà còn tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập.
Sẽ phê chuẩn Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP mới
Cũng tại phiên họp của UBTVQH hôm qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề nghị xem xét bổ sung vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khai mạc ngày 21-10 tới) nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, đó là các báo cáo về tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị quyết của Quốc hội, báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng (vụ án Vinashin, Vinalines; vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên...). Bên cạnh đó, ngày 12-11, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam. Việc bỏ phiếu miễn nhiệm dự kiến được tổ chức vào ngày 13-11, sau đó Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Việc bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng được tiến hành vào sáng 14-11, sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để Quốc hội thực hiện tiếp quy trình bầu Bộ trưởng mới.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày; tăng thời gian thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ 1/2 ngày lên một ngày, đồng thời bố trí thêm thời gian thảo luận tổ về dự án luật này. Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu và sắp xếp lại, dự kiến thời gian của kỳ họp là 41 ngày, từ 21-10 đến 30-11, trong đó thời gian làm việc chính thức của Quốc hội là 35 ngày.
Năm 2015 đường Hồ Chí Minh sẽ thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi Chiều 14-10, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh. Theo tờ trình về vấn đề này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh một số nội dung cơ bản về tổng chiều dài toàn tuyến, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật... Về vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Việc phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư giai đoạn cao tốc (giai đoạn 3) tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn. Chính phủ cũng đề nghị được giao thẩm quyền xem xét, quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực triển khai dự án đúng tiến độ yêu cầu, đặc biệt là cơ chế về huy động vốn và giải phóng mặt bằng. |
ANH THƯ