Thận trọng và quyết liệt hơn

Sau khi giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm 2012, trong đó liên tiếp 2 tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%) có trị số âm (-),  chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có xu hướng tăng trở lại. CPI tháng 9 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Sự tăng chỉ số này vừa không đột ngột (vì đã được dự báo trước) vừa có phần đột ngột (vì mức tăng quá cao) đã khiến xã hội một lần nữa lo ngại về cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, rằng “không cẩn thận thì lạm phát sẽ bùng phát trở lại”.

Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ số CPI tháng 9 tăng 2,2%, tăng cao một cách đột ngột là do các nguyên nhân: tăng giá dịch vụ y tế, giá giáo dục, giá xăng dầu thế giới lên. 3 mặt hàng này chiếm nhiều nhất, tới 1,6% mức tăng của CPI tháng vừa qua. Theo lý giải của Chính phủ, tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết, vì gắn với đó là bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế sẽ tốt lên. Tăng giá dịch vụ giáo dục thì chỉ là một thời điểm trong năm (tháng khai giảng); còn giá xăng dầu phải theo giá thế giới.

Dĩ nhiên, điều đó là không thể bàn cãi. Nhưng điều người dân quan tâm và mong đợi là cơ quan chức năng phải thể hiện rõ vai trò điều hành, chỉ đạo trong vấn đề điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Đơn cử như việc các địa phương tăng giá viện phí đồng loạt, tăng cao, có nơi tăng 200% đã khiến giá cả tăng trong tháng 9. Đó là một bài học mà cơ quan điều hành không thể không tính tới.

Còn nhớ cách đây 2 tháng, CPI liên tiếp giảm âm, xã hội lúc đó đã lo lắng, quan tâm đề cập đến nguy cơ suy thoái. Giờ đây, khi CPI tháng 9 đột ngột tăng cao, nhiều ý kiến lại lo lắng theo hướng ngược lại. Nhiều chuyên gia kinh tế không giấu giếm nỗi lo lạm phát cao trở lại không chỉ còn là nguy cơ mà đã là hiện thực. Chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh còn nhận định là lạm phát đột ngột trở nên quá nóng và vấn đề lạm phát lại trở thành vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam từ giờ đến hết 2012, thậm chí còn chuyển sang cả năm 2013.

Tại sao lại có những nỗi lo lắng đó, nếu không vì CPI vẫn cứ tăng giảm thất thường và người dân vẫn cứ phải phập phồng khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu ổn định như mong đợi.

Trước tình hình CPI tăng cao, Thủ tướng đã kịp thời có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát trong các tháng từ nay đến cuối năm. Tại phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, Chính phủ cũng đã bàn thảo rất nghiêm túc, nhìn nhận xem CPI tháng 9 có liên quan đến công tác thống kê, điều hành mang tính giật cục hay không. Chính phủ vẫn khẳng định, việc kiềm chế lạm phát vẫn là một ưu tiên không chỉ trong năm nay mà cả các năm sau để bảo đảm vĩ mô. Tăng giá tháng 9 là có yếu tố thời điểm (giáo dục) và dồn dập (y tế). Còn công tác điều hành tiền tệ vẫn được bảo đảm để kiềm chế lạm phát năm nay dưới 1 con số, ở mức khoảng 8%, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo đối với các địa phương chưa công bố giá, phí dịch vụ y tế mới, cần cân nhắc thời hạn áp dụng, tránh dồn dập, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các mặt hàng như xăng dầu, điện, than.. cũng được chỉ đạo bảo đảm lộ trình điều chỉnh, không làm tác động đến CPI, không khiến người dân bị tổn thương đột ngột.

Những động thái đó cho thấy, Chính phủ đã kịp thời nhìn nhận về vấn đề mới nổi lên của nền kinh tế, kịp thời điều chỉnh tình hình. Tuy nhiên, trong việc điều hành, rõ ràng Chính phủ phải sâu sát hơn nữa, có chỉ đạo kịp thời hơn nữa trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu của các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp đầu mối. Điều chỉnh giá trong thời điểm nào phải tính kỹ lộ trình, phải tránh các thời điểm nhạy cảm, tránh dồn dập, như thế mới giảm bớt gánh nặng cho người dân, vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Thời điểm điều chỉnh giá nếu không phù hợp sẽ gây ra hiệu ứng cộng hưởng giá giữa các mặt hàng với nhau, khuếch đại lạm phát lên bất ngờ.

Thực tế cũng cho thấy, nếu thiếu sự phối hợp giữa chính sách giá với các chính sách khác thì cũng khó kiềm chế lạm phát như mong muốn. Đó là điều mà các cơ quan quản lý giá, Chính phủ phải hết sức thận trọng trong công tác điều hành.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục