DN được cấp phép thử nghiệm với các thuê bao nội bộ để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ mới. Đến nay, cả 3 DN đều đã triển khai thử nghiệm 5G.
Cục Viễn thông cho biết, thời hạn giấy phép thử nghiệm cũ của VNPT đã hết và DN này đang làm thủ tục gia hạn. Trước đó, Viettel và MobiFone đã được gia hạn giấy phép thử nghiệm đến tháng 1-2021 và tháng 5-2021. Như vậy việc phát triển 5G tại Việt Nam vẫn tiếp tục và sẽ tiến hành theo từng bước.
Sau khi thử nghiệm thành công 5G, phía VNPT cho biết mạng VinaPhone 5G sẽ không dừng lại ở việc cung cấp dữ liệu siêu tốc độ, mà còn đem đến hệ sinh thái số cho người dùng và các nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh; đồng hành trong xây dựng chính phủ điện tử và thể hiện vai trò tiên phong trong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ mới tại Việt Nam.
Sự hào hứng của MobiFone cũng không kém sau khi công bố thử nghiệm thành công 5G. Song, kế hoạch thương mại cho 5G vẫn đang trong quá trình tìm hướng đầu tư thích hợp nhất. Phía Viettel cho hay, Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất hệ thống thiết bị gNodeB 5G. Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm.
Để thúc đẩy các DN viễn thông tiếp tục thử nghiệm hiệu quả và sớm cung cấp thử nghiệm thương mại, Cục Viễn thông đề nghị các Sở TT-TT căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội tại địa bàn, phối hợp với các DN viễn thông để đưa địa phương vào kế hoạch thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại. Tại TPHCM, Sở TT-TT đang phát triển chiến lược ứng dụng 5G, đặc biệt chú trọng ứng dụng vào quá trình xây dựng đô thị thông minh.
Do đặc điểm kỹ thuật nên không thể phủ sóng 5G như 4G, các địa phương cần phối hợp với các nhà mạng xem xét ưu tiên phủ 5G ở những địa điểm nào trước. Đây là căn cứ để Bộ TT-TT cấp phép thử nghiệm cho DN. Cục Viễn thông yêu cầu các DN phối hợp với Sở TT-TT triển khai dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và xây dựng kế hoạch dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành bởi công nghệ 5G đòi hỏi số trạm phát sóng lớn hơn rất nhiều lần so với các công nghệ thế hệ trước. Do đó, Cục Viễn thông phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, đánh giá kết quả thử nghiệm của DN. Tiếp tục nghiên cứu việc chuẩn hóa công nghệ, xu hướng triển khai 5G trên thế giới để xây dựng điều kiện cấp phép và lộ trình triển khai 5G thương mại phù hợp, đáp ứng sự phát triển của xã hội.
Theo Bộ TT-TT, hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng, từ hạ tầng tần số làm nền tảng kinh tế trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các DN điện tử viễn thông trong nước đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây ta phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.