Kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 _ 7-5-2015)
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch.
Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến độc lập, đúng đắn, sáng tạo kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới để quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh dân tộc. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao...
Dựa trên những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cụ thể hóa thành công vào lãnh đạo toàn diện Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó nổi bật nhất là phân tích đánh giá đúng tình hình, so sánh lực lượng ta, địch; đồng thời chủ động dự kiến trước những khó khăn do chiến dịch kéo dài, nhất là những khó khăn về cung cấp, tiếp tế, bảo đảm quân số, sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện chiến đấu liên tục, cũng như sinh hoạt trong hầm hào khi mùa mưa đến…; để trong ban lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy có biện pháp khắc phục, xây dựng thế trận và lực lượng chiến tranh nhân dân rộng khắp, vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu; vừa tập trung vừa có thể phân tán khi cần; dùng mưu kế, chủ động đánh địch, buộc địch phải hành động theo ý định của ta.
Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu hiện sinh động cho sự thành công của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo. Ngay từ lúc khởi sự cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tư tưởng chỉ đạo “kháng chiến, kiến quốc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định và từng bước định hình đường lối chiến tranh, mà biểu hiện đặc trưng là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”. Như thế, cuộc kháng chiến của ta có lực lượng của toàn dân tham gia, theo phương thức toàn diện (quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa), giành thắng lợi từng bước và dựa vào sức mạnh từ chính nhân dân ta. Tư tưởng và đường lối chiến tranh nhân dân đã xác định ngay từ đầu cho toàn dân về mục tiêu, yêu cầu của cuộc chiến đấu chính nghĩa chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, do đó nó trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân, tập hợp, tổ chức mọi lực lượng nhân dân trong cuộc “kháng chiến, kiến quốc”. Tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam đã được nhân dân tiến bộ thế giới và chính phủ nhiều nước ủng hộ và dành sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.
Toàn dân tham gia chiến dịch
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) là một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân do toàn dân Việt Nam tiến hành một cách toàn diện nhằm giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, chiến tranh nhân dân Việt Nam được nhân lên một tầm cao mới. Với tinh thần “tất cả để đánh thắng”, cả nước cùng ra trận, cả nước cùng đánh giặc trên khắp mọi chiến trường. Nhân dân khắp mọi miền đất nước vừa tích cực động viên chồng con, anh em tòng quân, nhập ngũ lên đường ra tiền tuyến; gia nhập lực lượng vũ trang địa phương đánh địch tại chỗ; tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, vừa tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm để bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập do đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Cùng với đó, Hội đồng cung cấp mặt trận cấp liên khu, như: Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu Việt Bắc và cấp tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La... được thành lập. Các hội đồng đó làm nhiệm vụ tổ chức huy động sức người, sức của ở hậu phương chi viện cho tiền tuyến, nhất là cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho một lực lượng ở xa hậu phương, phục vụ chiến dịch, với thời gian dài ngày, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã giải quyết thành công do biết phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 là một điển hình thành công của chiến tranh nhân dân Việt Nam về sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), về sự phối hợp giữa vận động chiến và du kích chiến, giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa chiến trường chính và chiến trường phối hợp. Với các đòn tiến công chiến lược đó, ta đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng trăm vạn dân và quan trọng là đã phân tán cơ động chiến lược của thực dân Pháp ra nhiều nơi, buộc địch lâm vào thế bị động đối phó.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo khẳng định, đường lối chiến tranh nhân dân thể hiện rõ tính toàn diện của phương thức kháng chiến quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong đó, phương thức đấu tranh quân sự có nhiệm vụ làm thất bại âm mưu, ý đồ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo không những động viên được sức mạnh của toàn dân, mà còn khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân, toàn quân, và đó là yếu tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng, mà điểm hội tụ cho sức mạnh quật khởi của cả dân tộc là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”!
TRẦN LƯU