Thắng nhưng chưa phải vô địch

Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Singapore quan trọng đến mức nào, có lẽ không cần giải thích thêm. Tuy nhiên, chiến thắng đó chưa đem lại chức vô địch. Cũng chẳng có đẳng cấp nào được xác lập sau một trận đấu mà chúng ta phải chống trả mệt nhọc đến như vậy.

Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến chuyên gia Nguyễn Văn Vinh khi ông cho rằng, vấn đề của chúng ta không phải thắng ai, vào sâu đến đâu mà là đội tuyển Việt Nam có khắc phục những điểm yếu của mình để bảo vệ chức vô địch hay không. Xin nhớ rằng, chúng ta đang là nhà vô địch. Nghĩa là chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải đi đến trận đấu cuối cùng.

Nên, không vì chiến thắng nghẹt thở trước Singapore mà quá chủ quan, cần xem đấy là cảm xúc nhất thời vì nó chưa nói lên được điều gì lớn khi mục tiêu còn ở phía trước.

Nhưng đội bóng nào mà không có quốc kỳ trên ngực trái? Cầu thủ ở quốc gia nào cũng có tinh thần màu cờ, sắc áo. Đấy không phải là báu vật của riêng chúng ta. Hơn thua nhau trên sân bóng vẫn là trình độ, là ý chí của mỗi cá nhân và toàn đội. Khi đã ở trên ngôi số 1 Đông Nam Á, là phải xác lập một đẳng cấp nhất định, một trình độ nhỉnh hơn các đội còn lại. 

Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên là vào bán kết, nhưng lộ trình thì gập ghềnh. Thắng lớn Myanmar, thua đau Philippines rồi phải hồi hộp tìm chiến thắng mong manh trước Singapore. Chúng ta cứ đứng ở lằn ranh giữa thành và bại chứ chưa vượt lên một trình độ cụ thể nào dù đã 2 năm sau ngày lần đầu tiên trở thành số 1 Đông Nam Á.

May mắn là một phần của bóng đá, nhưng không thể trông cậy vào yếu tố tâm linh để trở thành những người mạnh nhất. Trước khi AFF Cup 2010 bắt đầu, người ta đã nói nhiều đến vấn đề khát vọng thi đấu của cầu thủ giảm sút, bàn chuyện tìm tiền thưởng để kích thích cầu thủ… Những tưởng khi đã là số 1 Đông Nam Á, mỗi khi vào trận chúng ta phải có tư thế, có lòng tự trọng của một nhà vô địch chứ không phải lo lắng về những điều kiện cần hay đủ để bảo vệ ngôi vua.

Phải chăng, đấy là điều đáng tiếc khi biết rằng, không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà xét trên toàn châu Á, có ít nơi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển bóng đá như ở Việt Nam. Chúng ta có một hệ thống thi đấu quốc gia dày đặc giải đấu. Bóng đá chiếm giữ vị trí độc tôn về mức độ đam mê. Có sự đầu tư của nhà nước và sự quan tâm lớn lao từ xã hội. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam thậm chí còn được so sánh với những quốc gia mạnh nhất về bóng đá trên thế giới. Bấy nhiêu yếu tố thuận lợi như vậy mà cứ phập phồng về trình độ là cả một nghịch lý cần suy ngẫm.

VIỆT TÂM

Tin cùng chuyên mục