Thăng trầm đội bóng chày đầu tiên

Thăng trầm đội bóng chày đầu tiên

Môn bóng chày (baseball hay dã cầu) còn rất xa lạ ở nước ta. Đầu năm 2006, với sự khánh thành sân bóng chày đầu tiên của VN tại thị xã Đông Hà (Quảng Trị), cùng sự trở về của Danny Graves - cầu thủ bóng chày 32 tuổi, có mẹ là người VN, bóng chày được nhắc đến nhiều hơn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở nước ta, từ hơn 8 năm nay đã có một đội bóng chày.

  • Những tình nguyện viên thầm lặng
Thăng trầm đội bóng chày đầu tiên ảnh 1

Trần Đăng Khoa (người mặc áo tay dài trắng) hướng dẫn các em luyện tập.

Khởi hành từ Bến Thành, sau hơn 90 phút trên hai chuyến xe buýt, theo chân các tình nguyện viên (TNV), chúng tôi có mặt tại sân bóng của Trường THCS Nhuận Đức (Củ Chi, TPHCM).

Suốt hơn 3 năm qua, vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, trên sân bóng của Trường THCS Nhuận Đức, một nhóm học sinh của trường cùng 4 TNV: Nanaho Kishino, Cao Chí Dũng, Trần Đăng Khoa, Nishimura Yoshifumi, vẫn miệt mài tập luyện.

16 cầu thủ nhí bắt đầu buổi tập bằng bài khởi động nhẹ kéo dài hơn 15 phút. Sau bài khởi động, bọn trẻ kéo nhau đến bên cái túi xanh thật to đựng găng tay, banh, chày… cũ kỹ. Dũng cho biết những dụng cụ này phần lớn là của đội SaigonBaseball để lại. Buổi tập bắt đầu với bài tập tiếp xúc.

Mỗi lần có một cú phát bóng thành công hay những cú chụp bóng đẹp mắt, bọn trẻ lại hét lên một tiếng “Hey!” thật to. Hết tập bóng đơn giản, bọn trẻ lại chia làm hai đội để thi đấu. Dũng luôn nhắc nhở: “Từ từ thôi, đừng ném bóng mạnh quá, kẻo nguy hiểm!”. Cuối buổi tập, thầy và trò ngồi lại với nhau. “Sao hôm nay, em Tài, em Phong không đi tập?”, Dũng hỏi. “Thưa thầy, hai bạn đó hôm nay phải chăn trâu”, có tiếng trả lời.

Đã hơn 3 năm nay, cùng với Dũng (kinh doanh) và Khoa (nhân viên Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn), còn có 2 TNV đến từ Nhật Bản là Nanaho Kishino (cựu SV ngành VN học, ĐH Ngoại ngữ Kanda, Chiba - Nhật Bản) và Nishimura Yoshifumi (chủ nhân quán Asuka, Q3, TPHCM) làm công việc lặng lẽ này. “Hầu hết, các em đều có kỹ thuật rất tốt, nếu được đầu tư, tôi tin các em sẽ tiến xa hơn”, Nanaho cho biết.

Hiện nay, các em đã thi đấu giao lưu nhiều lần với HS các trường: Trường Bán công Nam Sài Gòn, Trường Nhật Bản (Nam Sài Gòn)…

  • Số phận một đội bóng

Ở VN, bóng chày chỉ thật sự được biết đến từ tháng 6-1997, khi ông Fuchikawa, một doanh nhân người Nhật, tập trung một nhóm các sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM… và hướng dẫn họ tập luyện môn bóng chày. Với tất cả kinh nghiệm và dụng cụ mang từ Nhật sang, ông cùng bạn bè của mình truyền lại cho các bạn trẻ yêu thích bóng chày những kỹ thuật cơ bản của môn này và đội bóng chày đầu tiên được hình thành với tên gọi SaigonBaseball.

Sau hơn 2 năm tập luyện, cuối năm 1999, đội ra mắt công chúng lần đầu tiên tại NVH Thanh niên TPHCM. Kết quả là đội có thêm nhiều người tham gia hơn và Dũng, Khoa là một trong số đó. Với lần ra mắt đầy thành công đó, đội nhận được sự giúp đỡ của Tommy Charle, một giáo viên người Mỹ đang sống và làm việc tại VN, tham gia hướng dẫn và tài trợ.

Năm 2000, đội có kế hoạch cho việc phát triển bằng cách ra mắt công chúng lần thứ hai nhưng không thành công. Cuối năm 2000, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, thông qua một chương trình của Hiệp hội Bóng chày Hàn Quốc ,đã tài trợ kinh phí và đưa HLV chuyên nghiệp Jung Sang Pyung từ Hàn Quốc sang để huấn luyện cho đội, SaigonBaseball đổi tên thành Sangpyung Vina Baseball.

Tuy nhiên, sự trợ giúp này chỉ kéo dài được hơn một năm. Năm 2001, ông Fuchiwaki qua đời, các thành viên trong đội cũng lần lượt rời đội và cuối năm 2002, đội hầu như tan rã… Thế nhưng, với niềm yêu thích cháy bỏng, nỗi trăn trở về một đội ngũ kế thừa cũng như mong muốn duy trì sự tồn tại của môn bóng chày ở VN, hai bạn trẻ Dũng và Khoa đã tìm đến Trường THCS Nhuận Đức và thật may mắn, Ban giám hiệu trường không những tạo điều kiện thuận lợi bằng cách cho mượn sân bóng để tập luyện mà còn khuyến khích các em HS của trường tham gia tập luyện bóng chày vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, các bạn còn dạy bóng chày ở trường Bán công Nam Sài Gòn, Trường Nhật Bản (Nam Sài Gòn).

  • Hy vọng ở tương lai

Ngày 20-1-2005, sân bóng chày đầu tiên tại VN được khánh thành tại thị xã Đông Hà với sự có mặt của các thành viên Quỹ Tưởng niệm Mỹ (VVMF) cùng các VĐV, quan chức của Liên đoàn Bóng chày Mỹ (MLB). Hoạt động này nằm trong chương trình “Đưa bóng chày đến VN” do VVMF tổ chức mà Danny Graves giữ vai trò là đại sứ thiện chí.

Trong chuyến thăm Hà Nội-Huế-Quảng Trị-TPHCM (16-1 — 25-1-2006), Chủ tịch VVMF, Jan C.Scruggs và Danny Graves đã có cuộc nói chuyện thân tình với đại diện Saigonbaseball, Khoa, Dũng và Nishimura. Danny rất ngạc nhiên khi biết rằng bóng chày đã có mặt tại VN hơn 8 năm. Rời VN khi mới 14 tháng tuổi, Danny cho biết, ban đầu anh chỉ nghĩ đơn giản về VN để phổ biến môn bóng chày và thăm lại quê ngoại (Danny có bố là người Mỹ, mẹ người VN), nơi anh đã sinh ra.

Tuy nhiên, trong chuyến du hành dọc chiều dài VN, sự vui vẻ, thân thiện của những người VN đã làm Danny thay đổi rất nhiều. “Tôi sẽ quay lại VN vào tháng 11 năm nay để tiếp tục chiến dịch quảng bá Đưa bóng chày đến VN, trong đó TPHCM chắc chắn sẽ là một trong những điểm dừng chân của tôi”, Danny nói.

NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục