
Sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, sửa chữa trùng tu, vào 9g sáng ngày 2-10-2004, lần đầu tiên di tích Tử Cấm Thành nằm trong thành cổ Hà Nội đã mở cửa đón du khách. Một sự kiện mà nhân dân Hà Nội cùng cả nước đã chờ đợi từ lâu, lại diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô nên càng thu hút đông đảo khách tham quan. Chúng tôi may mắn là một trong những người đầu tiên được bước vào chiêm ngưỡng Tử Cấm Thành đầy bí ẩn...
- Bước vào được Tử Cấm Thành… có thể an tâm nhắm mắt!

Bắc Môn
Tròn nửa thế kỷ qua, Tử Cấm Thành và thành cổ Hà Nội là khu vực kín cổng cao tường, “không phận sự miễn vào”, “cấm quay phim chụp ảnh”. Đơn giản, kể từ khi thủ đô Hà Nội giải phóng ngày 10.10.1954 nơi đây trở thành khu vực quân sự, tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng. Sự bí ẩn của một di tích lịch sử hàng ngàn năm văn vật, cùng với quãng thời gian “chia cách” khá lâu với thế giới bên ngoài, là những yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn, hiếu kỳ đối với mọi người. Vì vậy, chỉ mới ngày đầu tiên đã có gần chục ngàn du khách chen chúc nhau vào tham quan thành cổ.
Tôi gặp trong đoàn người vào chiêm ngưỡng thành Hà Nội nhiều vị tướng lĩnh, cán bộ hưu trí cao cấp, nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học và đặc biệt là các nhà sử học, những người vừa là khách vừa là người thuyết trình về thành cổ cho mọi người vây quanh. Thật cảm kích trước sự nhiệt tình của các giáo sư Vũ Khiêu, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, các nhà Hà Nội học Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn… khi giải thích cặn kẽ về vị trí, diện mạo, vai trò thành Thăng Long xưa cũng như mối quan hệ giữa Tử Cấm Thành với khu di chỉ Hoàng Thành ở 18 Hoàng Diệu thuộc Ba Đình, Hà Nội vừa khai quật.
Cùng với việc tham quan di tích thành cổ, du khách còn được chiêm ngưỡng các cổ vật vừa khai quật ở Ba Đình. Ông Phan Đăng Long- quyền Giám đốc Sở Văn hóa- thông tin Hà Nội cho biết: “Theo dự kiến, khi Khu di chỉ Hoàng Thành ở 18 Hoàng Diệu được bàn giao, thành phố Hà Nội sẽ kết hợp với phần thành cổ này thành một tổng thể trong việc bảo tồn, trùng tu cũng như phát huy những giá trị của di tích lịch sử”.
Một cụ già 74 tuổi người Hà Nội thổ lộ rằng, mỗi lần đi ngang qua đây đều ao ước được một lần vào chiêm ngưỡng di tích người xưa, nơi mà theo gia phả tổ tiên ông có người đã làm quan trong kinh thành. Và bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực. Đứng tựa vào tường lầu Đoan Môn, ông vuốt chòm râu cười mãn nguyện: “Bước vào được Hoàng Thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành, tôi đã có thể an tâm nhắm mắt”! Chia sẻ cảm xúc ấy, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nay đã ở tuổi bát tuần nói: “Tôi yêu Hà Nội, viết nhiều về Hà Nội, nhưng có một nơi mà nửa thế kỷ nay tôi luôn mơ ước được vào thăm, nghiên cứu để bổ sung cho các tác phẩm về Thăng Long- Hà Nội của mình, lo sợ đến khi tôi thành cát thành bụi vẫn chưa đến được chính là khu vực “kín cổng cao tường” này…”.
- Ngược dòng thời gian

Đoan Môn
Thành Hà Nội từng tồn tại trong tám thế kỷ với vai trò kinh đô trung tâm đất nước, liên tục được ông cha ta trùng tu, mở rộng. Kết cấu của thành gồm ba vòng. Thành nhỏ nhất ở bên trong là Tử Cấm Thành dành cho vua, hoàng hậu và một ít cung tần mỹ nữ ở; có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại: Cung Thành- thời Lý, Long Phượng Thành- thời Trần và Cấm Thành- thời Lê; Tử Cấm Thành nối với vòng thành thứ hai là Hoàng Thành bằng cửa duy nhất Đoan Môn.
Hoàng Thành là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại cao cấp trong triều đình, nối với Kinh Thành- vòng thành thứ ba ngoài cùng bằng nhiều cửa, nhưng đến nay chỉ còn lại cửa duy nhất Bắc Môn.
Nếu như Tử Cấm Thành và Hoàng Thành xây tường bằng gạch thì Kinh Thành lại đắp bằng đất, là nơi ở và sinh sống của dân cư kinh đô.
Kinh Thành nối với bên ngoài bằng nhiều cửa: thời Lê có 16 cửa ô, thời Nguyễn 12 cửa ô; nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất cửa ô Quan Chưởng, tên cũ là Đông Hà Môn, nghĩa là cửa cho thuyền ra vào bến sông. Đáng tiếc từ năm 1805, thành Thăng Long bị nhà Nguyễn phá bỏ và xây lại theo kiến trúc vaubal của Pháp, chỉ giữ lại những công trình tiêu biểu từ trước; dựng thêm Kỳ Đài (Cột Cờ) năm 1812, gồm 3 tầng bệ, có cầu thang xoắn ốc, trên cùng là thân cột cờ cao 20m khối lục lăng, đỉnh cột khối bát giác.
Vào khoảng năm 1848 diễn ra một sự kiện đáng buồn cho thành Hà Nội khi vua Tự Đức ra lệnh phá dỡ tất cả các cung điện còn lại và đưa toàn bộ đồ chạm khắc trang trí mỹ thuật bằng gỗ, đá về Huế. Ngoài ra, thành Hà Nội còn nhiều lần bị giặc ngoại xâm phá hoại hầu hết các công trình kiến trúc nổi tiếng. Đặc biệt, nửa cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội thì thành cổ bị biến thành khu quân sự, một trại lính khổng lồ. Các công trình kiến trúc cổ may mắn còn sót lại tới đây đã bị đập phá lấy gạch xây nhà ở, công sự, kho tàng. Ngày 10.10.1954, lúc tướng Vương Thừa Vũ đưa quân về tiếp quản thủ đô thì thành cổ Hà Nội đã bị tan hoang thành phế tích, chỉ còn lại một số công trình kiên cố mà quân Pháp từng sử dụng vào mục đích quân sự.
- Ẩn số lịch sử hấp dẫn
Từ năm 1998 đến nay, Bộ Quốc phòng đã lần lượt bàn giao các di tích thành cổ cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, tôn tạo để phục vụ cho công tác nghiên cứu và tham quan du lịch. Dù đã bị hư hại nhưng những gì còn lưu lại của thành cổ Hà Nội với bề dày lịch sử cả ngàn năm vẫn có sức thu hút lớn đối với du khách. Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu rất kỳ vĩ, hoành tráng. Điện Kính Thiên, Nhà con Rồng còn lưu những dấu tích thiêng liêng.

Một góc trong Tử Cấm Thành
Bắc Môn là cửa duy nhất còn lại của thành Hà Nội từ thời nhà Nguyễn, nơi qua lại giữa Hoàng Thành- khu triều chính và Kinh Thành- khu dân cư. Mặt tường trước Bắc Môn còn hai vết đạn pháo khá lớn do tàu chiến Pháp bắn vào ngày 25.4.1873 khi chúng tấn công thành Hà Nội. Hai cánh cổng bằng gỗ được trùng tu nặng 16 tấn chạy trên hai bánh xe bằng đồng nặng 80kg. Bên trên là vọng lâu thờ hai vị anh hùng có công đánh Pháp giữ thành là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Còn Đoan Môn là cổng duy nhất nối Tử Cấm Thành với Hoàng Thành, có cấu trúc theo kiểu tam quan cửa vòm cuốn. Cửa chính giữa là lối đi chỉ dành riêng cho nhà vua, hai cửa hai bên dành cho hoàng tộc và quan lại triều đình. Hai bên Đoan Môn có hai cầu thang mấy mươi bậc dẫn lên vọng lâu khá kiên cố, có cả vườn hoa, cây trái.
Tử Cấm Thành có tất cả 69 ngôi nhà, trong đó có nền điện Kính Thiên, Nhà con Rồng, Hầm trú bom và hai khu vực di tích cách mạng là nhà D76, T78. Khu vực điện Kính Thiên còn lưu giữ một thềm rồng 9 bậc có chạm đôi rồng đá thời Lê ở phía nam, còn bậc thềm phía bắc cũng có chạm khắc rồng đá nhưng niên đại muộn hơn. Bên cạnh là Nhà con Rồng gồm 7 gian 2 tầng xây dựng từ thời Pháp, đang được dùng để trưng bày 400 hiện vật khảo cổ tiêu biểu ở di tích Hoàng Thành cùng các di vật gốm sứ và kỷ vật thời chiến tranh vệ quốc.
Đi theo hầm trú bom, chúng ta sẽ đến nhà T78- tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu quân đội thời chống Mỹ và nhà D67- nơi làm việc trước đây của hai danh tướng là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Nhà D67 còn là nơi diễn ra cuộc họp đặc biệt giữa Bộ Chính trị Trung ương Đảng với Quân ủy Trung ương bàn quyết sách cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.
Ngoài ra, thành Hà Nội còn có Hậu Lâu, một tòa lầu xây ở sau cụm kiến trúc chính, nằm phía bắc Hành Cung. Theo thuật phong thủy, tòa lầu này sẽ giữ bình yên cho mặt bắc Hành Cung nên còn có tên Tĩnh Bắc Lầu. Tương truyền đây còn là nơi nghỉ ngơi của công chúa mỗi lần theo vua cha đi tuần du nên còn mang biệt danh Lầu Công Chúa.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi, phần chìm dưới các tầng đất đá của thành cổ Hà Nội vẫn còn là điều bí ẩn về dấu vết kiến trúc của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn mà các nhà khoa học đang hết sức quan tâm. Theo nhà sử học Phan Huy Lê, Khu di tích thành cổ Hà Nội rộng 19,7ha nằm giới hạn trong bốn con đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương có nhiều khả năng là trung tâm của Hoàng Thành thời Trần- Lê, mà nếu được khai quật một cách khoa học có thể phát lộ nhiều tầng văn hóa và di tích quí giá.
PHAN HOÀNG