Thành công ít, thất bại nhiều

Thống kê chưa đầy đủ, TPHCM đã triển khai hàng chục giải pháp, “ra quân” lập lại trật tự lòng, lề đường hàng trăm lần…, thế nhưng thành công rất ít.
Nhiều quán cà phê đậu xe dưới lòng đường khu vực Công trường Quốc tế (quận 3). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều quán cà phê đậu xe dưới lòng đường khu vực Công trường Quốc tế (quận 3). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một vài điểm sáng

Năm 2017, để xử lý tình trạng chiếm vỉa hè kinh doanh, quận 1 đã chọn đường Nguyễn Văn Chiêm làm nơi thí điểm cho phép các xe hàng rong hoạt động, mỗi hàng được dành cho khoảng 6m2.

Trở lại đây những ngày này, ghi nhận trên đường Nguyễn Văn Chiêm còn hơn 10 hộ kinh doanh buôn bán đồ ăn, thức uống. Nhờ vị trí nằm chính giữa các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng nên buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, nơi đây đều có nhiều khách đến mua. Tuy nhiên, vào buổi tối, khu vực này không kinh doanh. Tâm sự với chúng tôi, một chủ hộ chia sẻ, vị trí này chỉ thuận tiện cho những người đi bộ đến mua do diện tích quá nhỏ. Nếu một gian hàng có khoảng trên 3 xe đến đậu mua là sẽ phải lấn ra lòng đường ngay. Bàn ghế chỉ để được chừng 1 cái bàn, vài cái ghế mang tính chất dã chiến.

Cũng trong năm 2017, nhiều hàng rong khu vực đường Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10) cũng được sắp xếp vào khu vực chung cư Trần Văn Kiểu để buôn bán. Theo những người buôn bán ở đây, đến năm 2020, khu vực này có tiến hành thu phí kinh doanh, nhưng nhờ xung quanh có chung cư nên khách mua cũng nhiều. Các hộ kinh doanh phải đăng ký an toàn thực phẩm với ngành chức năng. Tuy nhiên, thời gian gần đây kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều tiểu thương đã kiến nghị được giảm thuế. Tương tự, đường Dương Quang Trung (đoạn từ khu vực Viện Tim tới Bệnh viện Nhân dân 115, quận 10) cũng đã sắp xếp cho người bán hàng rong vào 1 con hẻm kinh doanh để lập lại trật tự giao thông.

Khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cũng sắp xếp cho người bán hàng rong đến kinh doanh vào trước cổng mỗi tối. Qua thời gian, khu vực này dần ổn định và trở thành địa điểm quen thuộc của người dân xung quanh. Cách đó không xa, công viên Bàu Cát (quận Tân Bình) cũng đưa người bán hàng rong tập trung buôn bán bên hông công viên.

Lấn cả… vạch vàng

Bên cạnh những kết quả nêu trên, hầu hết các tuyến đường còn lại đều bị lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, ở những vỉa hè đã được kẻ vạch vàng tách bạch phần vỉa hè dành cho người đi bộ và phần dành cho buôn bán, nhiều chủ hàng vẫn vô tư bày bàn ghế, dựng xe máy… chiếm hết. Ghi nhận tại đường Độc Lập, đường Thống Nhất (quận Tân Phú), nhiều cửa hàng để bàn ghế đè lên cả vạch… Phía bên ngoài vạch vàng thay vì là lối cho người đi bộ thì trở thành nơi để xe. Tình trạng này phổ biến ở nhiều quận.

Đường Ba Tháng Hai (quận 10) có nhiều đoạn vỉa hè rộng và vạch kẻ vàng được sơn khá đậm, nhưng nhiều người bán hàng dường như chẳng thấy. Cách đó không xa, vỉa hè đường Nguyễn Kim sát bên UBND phường 7 trở thành nơi kinh doanh đồ điện tử bất chấp vạch vàng. Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh kéo dài từ quận 10 đến khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) có kẻ vạch vàng nhưng chẳng được tiểu thương nào quan tâm, có cửa hàng còn đậu xe kín cả vỉa hè. Ngay góc đường Lê Hồng Phong - An Dương Vương, vỉa hè rộng đã trở thành “mặt bằng” cho quán bún cá Nha Trang bày bàn ghế, tủ đồ ăn và bếp nấu.

Đường An Dương Vương đoạn gần công viên Phú Lâm chẳng còn lối đi bộ nào nữa, vì nhiều nhà buôn bán quần áo bày hàng ra gần hết vỉa hè. Phần nào trống, họ dùng để đậu xe cho khách.

Tin cùng chuyên mục