
Trước đêm “Lam... xưa” diễn ra vào 20g ngày 29-11 tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM, Thanh Lam luôn trong tâm trạng hồ hởi và phấn khích. Không chỉ bởi chương trình vừa diễn ra thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội mà còn vì niềm vui đến với chị và ê-kíp sớm hơn dự định. Chị tin tưởng, live show sẽ thành công hơn ở Hà Nội vì khán giả Sài Gòn luôn dành tình cảm ưu ái đối với chị.
Một thời... tóc ngắn

Thanh Lam thú thật, chị thích để tóc dài vì trông nữ tính hơn, nhưng vì làm tóc nhiều, mái tóc dài bị hỏng nên có khi phải cắt ngắn. Hồi mới sinh con thứ ba, chị cắt tóc ngắn đến mức… không thể ngắn hơn.
Đó cũng là thời kỳ cuộc hôn nhân của chị với nhạc sĩ Quốc Trung rơi vào bế tắc. “Cắt ngắn tóc chẳng phải do khủng hoảng mà đàn bà thường thích… phá tóc của mình và cũng có lúc… “hấp hơi” nên muốn thay đổi”, Thanh Lam cười chống chế.
Những ai biết Thanh Lam sẽ ngạc nhiên khi gặp chị ngoài đời. Vẫn cá tính và dữ dội nhưng trút bỏ vẻ sang trọng, mỹ miều của những phục trang biểu diễn, trông chị xốc vác và giản dị hơn.
Hình ảnh Thanh Lam trong album mới nhất, “Lam blue ta”, vừa nền nã và sang trọng, vừa bí ẩn và quyến rũ. “Tôi không cố tình tạo hình ảnh khác. Khi làm nghệ thuật, tôi chú trọng đến chiều sâu của đời sống tâm hồn. Còn cuộc sống bề ngoài có thể đơn giản và mộc mạc”, chị thổ lộ.
Hồi giữa năm nay, Lam chuyển về ở với bố mẹ (nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương) vì ngôi nhà 4 tầng ở gần hồ Tây, chỉ cách mấy bước chân là đến nhà nhạc sĩ Quốc Trung, chị thuê mấy năm nay đã hết hạn hợp đồng.
Hai con của chị với Quốc Trung đang sống cùng bố và ông bà nội. Con gái thứ hai đang học phổ thông cơ sở. Con trai út với đôi mắt to đen thoảng nét buồn, từ nhỏ đã có lần viết thư cho mẹ bằng nét chữ to đùng: “Con yêu mẹ Lam. Mẹ đẹp nhất trên đời. Mẹ hát hay nhất”. Cu cậu có nhạc cảm tốt. Hai mẹ con đã song ca trong CD “Em và đêm”.
Trong “Lam... xưa”, có một ca khúc Lê Minh Sơn viết tặng con trai mình, cũng dành để Lam hát tặng con trai: “Con trai bé bỏng của ta ơi. Sáng rồi dậy thôi. Chúm chím hoa 10 giờ sắp nở. Chúm chím môi con cười hé mở. Nở trong giấc mơ của con, không có con sói già, chỉ có chú dê con, bờ cỏ non xanh mướt...”.
Trở về ngôi nhà thân thuộc khuất sâu trong ngõ nhỏ trên đường Đê La Thành (Hà Nội), Lam được ở gần con gái lớn đang học năm thứ ba, khoa Lý luận - Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Khá lâu, kể từ hồi Lam kết hôn với Quốc Trung, giờ hai mẹ con mới ở cùng nhà.
Cô con gái sống với ông bà ngoại từ bé, sau khi Thanh Lam chia tay người chồng đầu không lâu sau khi sinh con. Cô bé giờ đã là một thiếu nữ, xinh đẹp, dáng nét “Tây” hơn mẹ. Những ngày cuối tuần, Thanh Lam đi diễn ở Hà Nội, cô bé thường theo mẹ. Mỗi khi Lam đi nước ngoài thì giao điện thoại di động cho cô bé quản lý.
Ngày chủ nhật, Lam thường đưa xe ô tô đến đón hai con nhỏ về nhà bà ngoại và cả ba mẹ con vi vu phố phường Hà Nội. Nhìn chị chăm bẵm cho các con, từ việc tự tay vào bếp nấu những món ăn đến mua sắm vật dụng sinh hoạt cho các con, mới hiểu ra, phía sau con người mạnh mẽ ấy vẫn là người phụ nữ tinh tế và dịu dàng, là trái tim người mẹ chưa hết lo toan, khắc khoải…
Trong lời chia sẻ của Thanh Lam có nỗi xa xót của người mẹ làm nghệ thuật không thể hết lòng vì con: “Tôi là người đàn bà, nếu không đòi hỏi nhiều sự hoàn thiện thì trộm vía, có những đứa con bình thường, là điều may mắn”.
“Trong môi trường nghề nghiệp cạnh tranh khắc nghiệt, tôi không chọn con đường vừa vặn với số đông nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Ba tôi nói, tôi đã phải trả giá đắt cho sự nghiệp. Tôi nghĩ, điều gì cũng có hai mặt. Nếu tôi dễ dãi với chính tôi, tôi đã là một người khác. Tôi có lúc sai hoặc đúng, khi mạnh mẽ hoặc yếu mềm, nhưng tôi luôn sống thật nhất với con tim mình”, Thanh Lam tâm sự.
HOÀNG GIANG
Mang “Lam... xưa” vào Sài Gòn Khán giả tại TPHCM sẽ gặp lại Thanh Lam với những ca khúc gắn bó với tên tuổi của chị như: Em và tôi, Lối cũ ta về, Cho em một ngày, Giọt nắng bên thềm, Em ơi! Hà Nội phố, Gọi anh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Chia tay hoàng hôn, Khoảnh khắc... Vẫn đầy ngẫu hứng nhưng độ phiêu linh được tiết chế, Lam hát với tất cả sự trong trẻo, nguyên sơ. Hồn nhiên, mộc mạc và bớt đi những lo toan, trải nghiệm, người phụ nữ đã bước qua nhiều vui buồn sóng gió ấy tìm lại những năm tháng đã qua, tìm lại cảm xúc của chính mình. “Lam… xưa” là câu chuyện âm nhạc hết sức gần gũi, giản dị, lấy không gian âm nhạc làm chủ đạo. Những ca khúc dẫn dắt khán giả cùng Thanh Lam ướm lại những dấu chân mà cô từng đi qua trên con đường âm nhạc và gọi về những cảm xúc trong ký ức người nghe suốt 20 năm qua. Thanh Lam đã hát bằng trái tim tinh khôi của ngày mới lớn, bằng dạt dào của tuổi trẻ và cả cuồng nhiệt, đam mê, nồng nàn và dữ dội của người đàn bà tươi tắn và quyến rũ ở tuổi gần 40. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người biên tập “Lam… xưa”, cho biết: “Nhà hát Hòa Bình với sức chứa khoảng 2.000 người nên “Lam… xưa” dưới bàn tay của đạo diễn Phạm Hoàng Nam sẽ quy mô và ấn tượng hơn. Hơn 30 nhạc công gồm ban nhạc nhẹ, dàn nhạc dây và ban nhạc dân tộc với dàn trống hội cùng với những thiết bị ánh sáng của Sài Gòn sẽ khiến không gian sân khấu biến ảo linh hoạt và phụ họa đắc lực cho tiếng hát Thanh Lam. Sẽ không có MC mà chương trình diễn ra liên tục cùng với ba ca sĩ khách mời hát song ca cùng Thanh Lam: Phương Thanh, Trọng Tấn và Tùng Dương”. Tuy nhiên, trong “Lam… xưa” lần này sẽ vắng người đồng nghiệp thân thiết cũng là người em kết nghĩa ngoài đời của Thanh Lam - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vì Hưng đang bận show ở nước ngoài. |