(SGGPO).- Sáng 31-3 tại Hội trường Thành phố TPHCM đã diễn ra buổi tọa đàm về “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm tiêu dùng".
Các đại biểu tham dự tọa đàm người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm tiêu dùng.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Sở Công thương TPHCM, Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, Công ty Vina CHG, Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam, các doanh nghiệp và đại diện người tiêu dùng cùng tham dự.
Tại buổi tọa đàm, Ths. Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại về thực phẩm.
Việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra một số bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở những quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng năm cho khoảng 2,2 triệu người, trong đó hầu hết là trẻ em.
Ths. Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, tại Việt Nam có tới 400 bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm….
Hiện nay nước ta đang đối mặt với thực trạng nông sản còn tồn đọng dư lượng hóa chất thuốc bảo về thực vật trong rau quả, chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hormon trong sản phẩm động vật, thủy sản.
Nạn vận chuyển sản phẩm động vật bẩn, trái phép vào các thành phố lớn vẫn còn diễn ra.
Tình trạng kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn nhiều hạn chế, các cơ sở giết mổ gia súc tập trung mới đạt 15%, các tỉnh phía Bắc chỉ đạt 2,5%; Kiểm soát thú y được 27% đối với giết mổ gia cầm.
Chỉ có khoảng 27% lượng gia cầm giết mổ được kiểm soát thú y
Mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhưng tình hình an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình, Bác sĩ Huỳnh Mai khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm vững một số nguyên tắc chung như:
Ưu tiên chọn mua sản phẩm thực phẩm có bao gói, nhãn mác với thông tin rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.., chọn mua tại các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y, có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định.
Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn như tỏi, sả xay, rau củ đã thái sẵn, ngâm nước, thịt, cá xay nhuyễn,… vì các sản phẩm chế biến sẵn khi để ra ngoài môi trường rất dễ bị ôi thiêu, xẩm màu, dể dẫn đến tình trạng người bán sử dụng chất tẩy trắng, hàn the.
Tình hình ngộ độc thực phẩm tại TPHCM diễn ra qua các năm, năm 2015 diễn ra 6 vụ, nhưng chỉ 3 tháng đầu năm 2016 đã diễn ra 4 vụ.
Số người bị ngộ độc thực phẩm tại TPHCM, năm 2015 có 268 người bị, trong 3 tháng đầu năm 2016 đã lên tới 156 người bị.
Trong buổi hội thảo, Công ty Vina CHG - đơn vị được cấp phép in tem chống giả và nghiên cứu khoa học chống giả đã cung cấp các giải pháp chống hàng giả bằng tem dán trên sản phẩm và cách phân biệt hàng giả.
Ngoài ra, các tham luận của các đại biểu luôn nhấn mạnh người tiêu dùng phải nắm rõ các quyền lợi được hưởng và trách nhiệm phải thực hiện.
| |
Để hỗ trợ tư vấn người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương đã có tổng đài 1800 6838 miễn phí cuộc gọi. Tổng đài này có các chức năng như, tư vấn chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh ở Việt Nam; Hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng cách thức khiếu nại, giải quyết khiếu nại; Tư vấn cách thức tiêu dùng thông minh.
QUANG KHOA