Chiều 22-5, anh T. không may bị giật điện và ngã xuống nước nên được chuyển vào Bệnh viện Trung ương cấp cứu vào lúc 17 giờ 40 cùng ngày. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện anh T. ngưng hô hấp tuần hoàn, ngưng tim, ngưng thở, da niêm mạc tím tái, đồng tử 2 bên giãn to không đáp ứng ánh sáng.
Bệnh nhân T. được cấp cứu khẩn trương, tiến hành hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy qua mask, đặt nội khí quản, sốc điện, dùng thuốc vận mạch và thở máy.
Khoảng hơn 25 phút hồi sức, bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng và được các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, khí máu động mạch, XQ phổi tại giường.
Bệnh nhân T. được chuyên khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị tiếp, được rút nội khí quản sau một ngày. Hiện bệnh nhân T. tỉnh táo, có thể sinh hoạt như người bình thường.
Bà Hoàng Thị Loan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân T. được cứu sống “thần kỳ” nhờ được cấp cứu ban đầu kịp thời và chính xác không để lại di chứng tổn thương các phủ tạng như não, tim, thận. Theo kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, tỷ lệ sống còn ngưng tim ngoài viện rất khiêm tốn. Tại Mỹ, nghiên cứu năm 2007 và 2010, tỷ lệ bệnh nhân sống sót do ngưng tim ra viện là 5%.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp nạn nhân bị tai nạn như điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương, ngưới tiếp xúc với nạn nhân cần phát hiện người bệnh có bị ngừng tuần hoàn không. Nếu phát hiện người bệnh bất tỉnh, không thở, cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Tuy nhiên, trong lúc chờ nhân viên y tế, người tiếp xúc nạn nhân cần tiến hành ép tim, hô hấp nhân tạo theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân có cơ hội sống sót cao hơn.