Thành phố Hồ Chí Minh: Hàng bình ổn giá chi phối thị trường

Theo dự báo của Bộ Công thương, giá cả quý 4-2010 tiếp tục diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng bởi giá thế giới, trong nước mưa lũ, dịch bệnh kéo dài nên nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ tăng. Trước tình hình này, UBND TPHCM đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tăng cường dự trữ nguồn hàng, đảm bảo lượng hàng bình ổn phải tăng 20%-30% để đủ sức chi phối thị trường.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hàng bình ổn giá chi phối thị trường

Theo dự báo của Bộ Công thương, giá cả quý 4-2010 tiếp tục diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng bởi giá thế giới, trong nước mưa lũ, dịch bệnh kéo dài nên nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ tăng. Trước tình hình này, UBND TPHCM đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tăng cường dự trữ nguồn hàng, đảm bảo lượng hàng bình ổn phải tăng 20%-30% để đủ sức chi phối thị trường.

  • Giá hàng bình ổn thấp hơn 10%
Đưa nhóm hàng thủy hải sản vào diện bình ổn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, để đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, TPHCM đang xem xét đưa nhóm hàng thủy hải sản vào diện bình ổn giá. Trước mắt, đã có một số DN tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ bình ổn nhưng vẫn cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của TP trong việc cung ứng đủ số lượng, chất lượng và đảm bảo giá bán thấp hơn 10% so với thị trường. Dự kiến, cuối tháng 10-2010, các DN này và nhà phân phối của TPHCM sẽ ký kết hợp đồng để đưa hàng vào bán tại các siêu thị và cửa hàng bình ổn giá.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, sau 8 năm thực hiện triển khai chương trình bình ổn giá hàng hóa các dịp Tết Nguyên đán, đến tháng 6-2010, TPHCM chính thức triển khai chương trình ổn thị trường quanh năm đối với 8 mặt hàng lương thực, thực phẩm (gồm gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến và rau củ quả).

Sau 4 tháng thực hiện, chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định, đóng vai trò định hướng dẫn dắt giá nhiều nhóm hàng thiết yếu khác. Đây là một trong những công cụ điều tiết thị trường, giá cả rất hữu hiệu của TPHCM, góp phần kéo giảm CPI trong suốt thời gian qua.

Dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng tháng, các sở, ngành chức năng của TP đã tính toán giao cho 14 DN chủ lực, tham gia chương trình bình ổn giá chuẩn bị từng mặt hàng có đủ sức chi phối thị trường ít nhất từ 20% - 50%. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn hàng nên giá bán 8 mặt hàng tại 14 DN tham gia chương trình vẫn ổn định theo đúng mức giá cam kết cho đến hết tháng 3-2011, đảm bảo thấp hơn giá thị trường 10%.

Riêng đối với một số nhóm hàng trên thị trường đang tăng nóng như rau củ quả, nhưng tại các siêu thị Co.opMart giá bán vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn thấp hơn 30%-40% so với thị trường.

  • Tăng nguồn hàng

Ghi nhận của PV Báo SGGP về công tác chuẩn bị nguồn hàng tại hầu hết các DN cho thấy, họ đã bày tỏ quyết tâm, bằng mọi cách sẽ tăng nguồn hàng từ 20%-30% so với bình thường nhằm đáùp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, đến thời điểm này Vissan đã lập xong kế hoạch chuẩn bị dự trữ và cung ứng nguồn hàng từ nay đến hết quý 1-2011. Cùng với việc đặt hàng cho các trang trại, Vissan cũng đã chủ động nuôi 40.000 con heo thịt nhằm cung ứng cho thị trường. 9 tháng đầu năm, sản lượng bán ra tăng hơn 20%, từ nay đến Tết Nguyên đán dự kiến sản lượng sẽ còn tăng mạnh, nhưng do nguồn hàng đã chuẩn bị đầy đủ nên Vissan có thể làm chủ về giá bán lẫn khả năng cung ứng.

Theo ông Mười, nhóm hàng thực phẩm chế biến, giá cung ứng gia vị, hương vị và các loại bao bì đã tăng từ 10%-15%, nhưng Vissan sẽ khắc phục được điều này để ổn định giá bán đến hết tháng 3-2011.

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart. Ảnh: CAO THĂNG

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Co.opMart.
Ảnh: CAO THĂNG

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho rằng, diễn biến giá cả trên thị trường hiện nay đã gây không ít khó khăn cho các DN tham gia chương trình bình ổn. Thế nhưng, vì nhiệm vụ chung bằng mọi cách Saigon Co.op sẽ thực hiện đúng các cam kết với TP trong việc chuẩn bị nguồn hàng cũng như đảm bảo giá bán luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.

Tương tự, tại các DN khác như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Phú An Sinh, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Huỳnh Gia Huynh Đệ… nguồn hàng cũng đã chuẩn bị đầy đủ theo đúng số lượng, đảm bảo chất lượng, sẵn sàng đáp ứng thị trường.

  • Mở rộng hệ thống phân phối
Giá tham chiếu 8 mặt hàng bình ổn của TPHCM
Gạo trắng thường 8.000 - 8.500 đồng/kg, gạo trắng thơm 16.300 đồng/kg, nếp 15.000 đồng/kg, đường RE 18.000 đồng/kg, dầu ăn 24.500 - 25.600 đồng/lít, thịt heo đùi 68.000 đồng/kg, thịt heo ba rọi 70.000 đồng/kg, thịt bò thăn 160.000 đồng/kg, thịt heo đùi 130.000 đồng/kg, thịt gà ta 90.000 đồng/kg, gà thả vườn 50.000 đồng/kg, gà công nghiệp 38.000 đồng/kg, thịt vịt 50.000 đồng/kg, trứng gà loại 1 21.000 đồng/chục, trứng gà loại 2 18.000 đồng/chục, trứng vịt loại 1 25.500 đồng/chục, trứng vịt loại 2 23.000 đồng/chục, lạp xưởng thường 125.000 đồng/kg, chả lụa từ 100.000 - 110.000 đồng/kg; rau củ quả thấp hơn giá thị trường 10%.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, qua thực tiễn quản lý và điều hành, chương trình bình ổn giá sẽ không thể thành công nếu chúng ta chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị nguồn hàng. Do vậy, quan điểm xuyên suốt quá trình thực hiện là phải có chỉ đạo quyết liệt của UBND TPHCM và sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành chức năng, từ khâu tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình để xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý phát sinh.

Để làm được những công việc này, TP đã hình thành tổ công tác để thực hiện 5 nội dung: kiểm tra từ cơ sở sản xuất về khả năng dự trữ và chuẩn bị nguồn hàng; hệ thống phân phối; số lượng các điểm bán mà DN đăng ký, số lượng hàng đưa ra thị trường theo đăng ký; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm từ giai đoạn tạo nguồn hàng đến khâu phân phối; kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá theo đăng ký.

Cùng với đó, TPHCM cũng chú trọng đến công tác mở rộng, phát triển hệ thống phân phối rộng khắp nhằm tăng tần suất cũng như độ phủ, đưa hàng bình ổn đến đông đảo người tiêu dùng TP. Đây sẽ là một khâu quan trọng, là thước đo về hiệu quả của chương trình bình ổn giá.

Mua thịt heo Vissan trong chương trình bình ổn giá. Ảnh: CAO THĂNG

Mua thịt heo Vissan trong chương trình bình ổn giá.
Ảnh: CAO THĂNG

Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện phối hợp với ban quản lý các KCX - KCN tạo điều kiện để các DN đưa hàng bình ổn về phục vụ người dân. Tiến tới, TPHCM sẽ xây dựng các cửa hàng chuyên bán 8 mặt hàng bình ổn ở khu vực ngọai thành và các KCX - KCN. Tại các chợ truyền thống trong nội thành, cũng sẽ dần hình thành các kiốt chuyên bán hàng bình ổn, không chỉ bán lẻ mà còn bán sỉ cho các cửa hàng trong khu vực lân cận.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, sau 2 tháng triển khai các DN đã mở được 417 điểm bán tại các chợ truyền thống. Tính đến nay, TPHCM có tổng cộng 1.983 điểm bán hàng bình ổn, tăng 89 điểm so với ban đầu. Từ nay đến cuối năm, tổ công tác sẽ triển khai rốt ráo kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tại các đơn vị. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về quy cách và quy chuẩn băng rôn, bảng hiệu, bảng giá và bố trí hàng hóa bình ổn ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt tại các điểm bán để người tiêu dùng dễ nhận biết và mua sắm. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, sở sẽ có biện pháp xử lý và chấn chỉnh kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, song song việc triển khai giám sát chương trình bình ổn giá, TPHCM sẽ chỉ đạo các sở ngành tăng cường kiểm tra giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu khác. TPHCM sẽ nỗ lực để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý và bình ổn giá cả, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010

THÚY HẢI 

Tin cùng chuyên mục