Thành phố sống tốt là thành phố an toàn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã nêu mục tiêu tổng quát: “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”.
Thành phố sống tốt là thành phố an toàn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã nêu mục tiêu tổng quát: “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”.

Các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình được nhắc đến khá nhiều lần nhưng yếu tố “thành phố có chất lượng sống tốt” lần đầu được đề cập trong văn kiện của Đảng bộ. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt trong thời gian tới, đó là phải xây dựng thành phố an toàn.

Thân thiện nhưng chưa an toàn

Hiện nay, có thể coi TPHCM là một “thành phố hòa bình”, bởi an ninh chính trị được bảo đảm, không có các vấn đề phức tạp về khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo… Không chỉ hòa bình, thành phố còn thể hiện tính thân thiện, hiếu khách rõ nét, không chỉ với người dân từ các địa phương khác đến học tập, làm ăn, sinh sống mà còn đối với với khách nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề an toàn của thành phố còn nhiều mặt chưa được bảo đảm.

Đó là vấn đề an toàn giao thông. Do mật độ giao thông quá dày, có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông, trong đó có những phương tiện có tính nguy hiểm cao (như xe container, xe tải nặng…), việc phân luồng phân tuyến lưu thông còn rất tương đối, nguy cơ mất an toàn về giao thông là rất lớn. Một vụ va quẹt nhỏ xảy ra cũng có thể gây ùn tắc giao thông; một biểu hiện thiếu ý thức về văn hóa giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng; một hạn chế trong quản lý giao thông cũng có thể phát sinh những vấn đề phức tạp…

Thanh niên tham gia trồng cây xanh tại quận 3 trong ngày chủ nhật xanh (Ảnh: Việt Dũng)

Đó là vấn đề trật tự an toàn xã hội. Hiện tượng cướp giật, vô cớ hành hung, tiêm chích ma túy… xảy ra khá thường xuyên, với một số người có thể coi là những ám ảnh. Trong đó, có một số hiện tượng gần đây xảy ra với mật độ dày hơn, nghiêm trọng hơn, chẳng hạn, hành vi tấn công người khác do bị tác động của “ma túy đá”, các biểu hiện do sự xuống cấp về đạo đức, các hoạt động phạm tội do bị tác động của phim ảnh, game bạo lực… Một số loại tội phạm sử dụng công nghệ cao (lừa đảo qua mạng internet, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng…) đã xuất hiện và có dấu hiệu ngày càng nhiều.

Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Chất lượng nguồn nước (cả nước sinh hoạt và nước ở các sông rạch, ao hồ…) tuy có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa có chưa sự giải quyết triệt để. Ô nhiễm không khí và tiếng ồn ngày càng trầm trọng. Mật độ dân cư quá dày khiến dịch bệnh dễ xảy ra và dễ lan nhanh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét, thời tiết khắc nghiệt hơn, nhiệt độ cao hơn, khô hạn kéo dài hơn.

Đó là các nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm được chế biến, bày bán bằng những cách và ở những nơi không bảo đảm an toàn vệ sinh vẫn được bán cho người tiêu dùng. Một số loại thực phẩm được sản xuất, chế biến bằng nguồn nguyên liệu không đạt chất lượng kèm với các phụ gia không an toàn vẫn không được kiểm soát tốt.

Ngoài ra, người dân còn phải gặp những điều không an toàn khác như rủi ro về cháy nổ (nhất là với lý do chập điện), ngập nước (không chỉ triều cường mà còn nước mưa), đường sá bị hư hỏng, cây gãy đổ… Những điều đó tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân.

Xây dựng thành phố an toàn

Từ những vấn đề đặt ra, việc bảo đảm an toàn cho người dân là một yêu cầu rất quan trọng, xem đó là một đòi hỏi căn bản của một thành phố có chất lượng sống tốt.

Trong vấn đề giao thông, cần có những giải pháp đồng bộ về cải tạo đường sá, quản lý chặt chẽ chất lượng các phương tiện giao thông, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với hạn chế có lộ trình phương tiện giao thông cá nhân, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, sử dụng nhiều biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông.

Trong vấn đề trật tự, an toàn xã hội, bên cạnh những giải pháp trước mắt về tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì về lâu dài, cần chú trọng giáo dục nhân cách, giáo dục ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tôn trọng kỷ cương, thượng tôn pháp luật…

Trong vấn đề ô nhiễm môi trường, phải chú trọng xử lý từ “gốc”, đó là xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt một cách khoa học, trồng nhiều cây xanh gắn với việc giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Trong vấn đề an toàn thực phẩm, cần quản lý chặt cả “đầu vào” (các nguồn nguyên liệu, phụ gia chế biến, việc nhập khẩu…) lẫn “đầu ra” (việc buôn bán, bảo quản các loại lương thực, thực phẩm) bằng cả quy định chặt chẽ, cụ thể và các hình thức kiểm tra, kiểm soát phù hợp.

Tức là, cần có sự đồng bộ giữa các biện pháp quản lý với việc nâng cao nhận thức của người dân, thì việc bảo đảm an toàn cho người dân mới có thể thực hiện. Nói cách khác, một thành phố có chất lượng sống tốt không thể có nếu người dân không chung tay để tự làm chất lượng sống của mình tốt lên, thông qua sự điều hành, quản lý của nhà nước!

Có thể thấy, nội hàm của “thành phố có chất lượng sống tốt” rất rộng, từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, trường học, bệnh viện, cung cấp điện, nước…), kinh tế phát triển cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, các yêu cầu cơ bản của người dân được đáp ứng, cho đến môi trường sống trong lành, đời sống văn hóa tiến bộ, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm… Trong đó, vấn đề an toàn trong một vùng, địa phương, khu vực được coi là “có chất lượng sống tốt” là hết sức quan trọng.

Trịnh Minh Giang

Tin cùng chuyên mục