Thành phố tiếp tục… lún

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nhiều khu vực tại TPHCM tiếp tục diễn ra hiện tượng sụt lún mặt đất.
Thành phố tiếp tục… lún

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nhiều khu vực tại TPHCM tiếp tục diễn ra hiện tượng sụt lún mặt đất.

Chuyển từ nơi này sang nơi khác

Khu vực bị sụt lún lớn nhất với mức sụt lún đo được là 28mm. Trong đó, diện tích vùng lún nhanh (hơn 15mm/năm) là 356ha, vùng lún tương đối nhanh (10mm - 15mm/năm) là 2.441ha và vùng lún trung bình (5mm - 10mm/năm) là 4.397ha. So sánh với giai đoạn 1996-2012, Sở TN-MT nhận thấy khu vực quận 8, 12 và huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục lún. Khu vực các quận 5, 10, 11 và Tân Bình không còn xuất hiện vùng lún, nhưng đổi lại, khu vực Nhà Bè và Bình Chánh xuất hiện nhiều vùng lún mới. Hiện tại, chỉ có 2 trạm quan trắc lún mặt đất cho toàn bộ TP. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, số liệu quan trắc vẫn còn thiếu và rời rạc, chưa phản ánh hết được mức độ cũng như phát hiện đầy đủ các khu vực bị lún. Vừa qua, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TP một đề án đầu tư hệ thống quan trắc, trong đó giai đoạn 2017-2018 sẽ đầu tư 6 trạm quan trắc chủ động về lún mặt đất, giai đoạn 2019-2020 sẽ tăng lên 11 trạm và đến 2021 có thể tăng lên 25 trạm.

Phường 7, quận 8, TPHCM là một trong những khu vực lún nhanh tại TPHCM. Ảnh: Thành Trí

Cũng liên quan đến vấn đề sụt lún mặt đất, Sở TN-MT TPHCM đã thuê Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam khảo sát và lập bản đồ phân vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Đơn vị này cho biết, mực nước ngầm tại TP hạ thấp đã tạo thành phễu lan rộng. Mực nước ngầm ở Hóc Môn giảm xuống - 21m, Bình Chánh xuống - 29m… Đặc biệt, mực nước ngầm quận 12 đã hạ xuống - 35m, kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất, biến dạng công trình… Trên cơ sở khảo sát và tính toán mô hình, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam đã đề xuất vùng cấm khai thác nước dưới đất ở các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Diện tích vùng cấm là 195km2, bằng 10% diện tích phân bố của các tầng chứa nước. Theo lý giải của đơn vị khảo sát, đây là vùng mực nước hạ rất thấp, nguy cơ lún mặt đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, nhất là gần ranh mặn và có một bãi rác lớn. Các khu vực còn lại, cần có quy định hạn chế và xây dựng lộ trình cấm khai thác nước ngầm.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia tham gia “bắt mạch” cho đô thị TPHCM đều có chung nhận xét: Không chỉ khai thác nước ngầm vô tội vạ mà chính quá trình đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt khiến giảm khả năng thẩm thấu nước mưa vào nước ngầm cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún và biến dạng mặt đất. Bên cạnh đó, nhiều khu vực đất yếu nhưng bị chất tải quá nhiều công trình cũng dẫn đến sụt lún đất.

Nghiên cứu tổng thể

Tháng 5- 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực TP Hà Nội, TPHCM, đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất.

Đề án sẽ do Bộ TN-MT chủ trì thực hiện, với mục tiêu xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, qua đó đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất khiến mực nước dưới đất bị hạ thấp và xác định mức độ tác động của khai thác nước dưới đất dẫn đến sụt lún bề mặt đất. Trên cơ sở thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất. Từ năm 2016-2020, các đơn vị thực hiện dự án sẽ tiến hành rà soát hệ thống các văn bản quy định về quản lý, khai thác nước dưới đất, song song với việc điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực TP Hà Nội, TPHCM, đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó sẽ lập bản đồ khoanh vùng phạm vi phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước, đồng thời đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại các khu vực này. Đơn vị thực hiện đề án cũng sẽ phân tích, đánh giá xác định mối liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.

Các khảo sát, nghiên cứu mà TPHCM đã thực hiện cũng sẽ được cập nhật, bổ sung vào đề án này.

- Các vùng lún nhanh: Quận 8 (một phần phường 7, 15, 16), quận 12 (một phần phường Thạnh Lộc và An Phú Đông), quận Bình Tân (một phần các phường Tân Tạo A, An Lạc và Bình Trị Đông B), quận Bình Thạnh (một phần phường 26), huyện Bình Chánh (một phần các xã Phong Phú, Bình Hưng, Tân Kiên, Tân Nhựt và Tân Túc), huyện Hóc Môn (một phần xã Nhị Bình), huyện Nhà Bè (một phần xã Nhơn Đức, Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè).

- Các vùng lún tương đối nhanh: Quận 6 (một phần phường 10), quận 7 (một phần các phường Bình Tân, Tân Thuận, Phú Thuận, Phú Mỹ), quận 8 (một phần các phường 6, 7, 15, 16), quận 12 (một phần các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông), quận Bình Tân (một phần các phường Bình Trị Đông B, An Lạc, Tân Tạo A), quận Bình Thạnh (một phần các phường 13, 21, 22, 25, 26), quận Thủ Đức (một phần các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Trường Thọ, Linh Đông, Linh Xuân, Linh Trung), huyện Hóc Môn (một phần xã Nhị Bình), huyện Bình Chánh (một phần các xã Phong Phú, Bình Hưng, Tân Kiên, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân, An Phú Tây), huyện Nhà Bè (một phần các xã Phước Kiển, Phước Lộc, Phú Xuân, Nhơn Đức, Long Thới và thị trấn Nhà Bè).

 

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục