Thanh Pôn - Một hồn thơ dân tộc

Nhà thơ - nhạc sĩ Thanh Pôn, hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và hội viên Hội Nhạc sĩ thành phố, có những ca khúc: Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tình khúc mùa xuân, Tình ca trên sông, Tình ca hương lúa, Em ở đâu Chan Sô Kha, Hành khúc Thanh niên tình nguyện, Quê em miền sông Hậu, Dòng sông ngừng trôi…
Thanh Pôn - Một hồn thơ dân tộc

Nhà thơ - nhạc sĩ Thanh Pôn, hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và hội viên Hội Nhạc sĩ thành phố, có những ca khúc: Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tình khúc mùa xuân, Tình ca trên sông, Tình ca hương lúa, Em ở đâu Chan Sô Kha, Hành khúc Thanh niên tình nguyện, Quê em miền sông Hậu, Dòng sông ngừng trôi…

Tôi và Thanh Pôn có duyên gặp nhau những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi cùng là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế rồi chiến tranh mở rộng, ra trường mỗi người một ngả. Theo tư duy “hồn nhiên” của tổ chức lúc bấy giờ, Thanh Pôn người Việt gốc Khmer được phân bổ về Đại học Sư phạm Việt Bắc, nơi có nhiều con em dân tộc. Còn tôi, sinh ra ở xứ Thanh, về Sư phạm Thanh Hóa (1965), trong vòng tuyến lửa Hàm Rồng.

Nhà thơ, nhạc sĩ Thanh Pôn

Nhà thơ, nhạc sĩ Thanh Pôn

Ít năm sau, ngẫu nhiên lại gặp nhau ở Mátxcơva làm nghiên cứu sinh. Tôi bảo vệ luận án (1973) sau Pôn một năm, tại Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô (cũ). Do cùng theo đuổi sự nghiệp khoa học, tôi và Pôn lại gặp nhau ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Hà Nội). Thế rồi, như có trời xui khiến, những năm cuối đời trước khi về hưu, tôi và Pôn lại gặp nhau ở Viện Khoa học Giáo dục phía Nam (TPHCM). Anh em bên nhau, đặt bước chân cùng len lỏi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là các vùng dân tộc Khmer với các đề án giáo dục và cùng nhau chia sẻ nhọc nhằn nắng gió, với những niềm vui sướng được đem chút học hành về tâm lý giáo dục học dân tộc, xã hội học cộng đồng để phục vụ con em nông dân còn rất nhiều khó khăn, nghèo nàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ĐBSCL.

Tôi và Pôn trở thành như người nhà. Về mặt công tác, cùng tham gia thực hiện Chương trình “đặc biệt” - giáo dục tiểu học Khmer của UNICEF tài trợ kinh phí trong 10 năm. Thanh Pôn tham gia biên tập tài liệu về “Phương pháp dạy song ngữ Việt - Khmer cấp một (lớp 1-4); Từ điển học sinh Việt - Khmer, Khmer - Việt và tài liệu, bài giảng bồi dưỡng giáo viên Khmer trong các kỳ nghỉ hè… Song chẳng thấy Thanh Pôn làm thơ. Có lần đến nhà, chỉ thấy Pôn lãng đãng bên cây đàn piano, lúc thì thơ thẩn bên bàn máy vi tính… Hóa ra Pôn soạn nhạc và làm thơ. Chị Kim Chi (vợ Pôn) nói với tôi: Ông ấy soạn nhạc và làm thơ trên máy vi tính đó. Thật bất ngờ và mươi năm gần đây, Pôn đã có công trình để đời, bốn tập thơ, hàng trăm bản nhạc ca khúc Khmer - Việt, Việt -Khmer, ca dao dân ca tục ngữ Khmer - Việt, truyện kể dân gian Khmer… Tôi nói với chị: Pôn phát về hậu đó!

Ngoài các công trình nghiên cứu về giáo dục học nói chung và sáng tác thơ ca nhạc, lại còn xây dựng một tổ chức “Trung tâm hỗ trợ phát triển dân tộc và nhân học Việt Nam” để kết nối lực lượng bạn trẻ trí thức dân tộc với những anh em tâm huyết có tấm lòng từ thiện, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, quyên góp hiện vật giúp đỡ vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc và kể cả xây cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo. Anh em bạn bè chúng tôi ở trong ngành giáo dục cuối đời nhìn lại, mấy ai làm được nhiều việc cộng đồng xã hội như Pôn.

Thanh Pôn được sinh ra và lớn lên, như lời anh: Đẻ ở Rạch Cui, Rạch Bần, Cò Ráng vùng nước đen Cà Mau. Thời thơ ấu đi học trong rừng U Minh “Trại Nhi đồng - Thiếu nhi, thiếu sinh quân Huỳnh Phan Hộ”… và đắm mình trong thiên nhiên đất Mũi Cà Mau mà “đồng quê tôm cá, rắn rùa ngổn ngang” ở Tân Phước, Tân Hòa, Đầm Dơi, Bà Hính, Chà Là Giáng Ngựa, Bào Vũng Cái Nước và trong kháng chiến chống Pháp cả gia đình nương náu tận Lung Lớn - Hà Tiên (Rạch Giá - Kiên Giang). Gắn bó với cuộc chiến thiêng liêng của dân tộc. Ba anh - Trần On, biệt danh là Lục On “Con hùm xám”, Chỉ huy Quốc vệ đội, Ty Công an tỉnh Bạc Liêu và nổi tiếng một thời vùng ĐBSCL, mà bọn giặc Pháp nghe tên đã sởn tóc gáy.

Nhắc lại vài điều trên để hiểu được, sao mà thơ Thanh Pôn đau đáu tình yêu đất nước, phum sróc da diết đến như vậy… Với những “Đường về cội nguồn” không lối mòn; nào “Cội nhớ, cội quên, cội lắng tình sâu nghĩa nặng và cội say đất say trời, say người”; đôi lúc đến “Lịm mắt nai dại khờ…”. Có lẽ không ở đâu trong thơ ca, cảnh sắc ĐBSCL lại đậm nét như trong thơ Thanh Pôn. Những “lục bình bông tím vật vờ, những bụi mắm xum xuê đôi bờ, những hàng dừa xõa tóc thề vuốt ve làn gió cặp kê… cho bần ươm nụ trắng ngần”. Đường về phum sróc làng quê anh thấy “trời nghiêng, chiều đứng”, “đáy sông chim gọi”, “cho gió chải ngồng”, “tôm cua cá đồng ngẩn ngơ” cũng thật là cái nhìn mới lạ đến bất ngờ trong thơ của một hồn thơ dân tộc như Thanh Pôn.

Thơ Thanh Pôn đôi khi như những ghi nhanh nhật ký hành trình, hay thu giữ lời người hát rong, kể chuyện ẩn chứa tình người, tình quê hương đất nước. Tuy không thể bài nào cũng óng chuốt, lung linh, nhưng bài nào cũng đều hay đều hoàn chỉnh cả. Song những tứ thơ mộc mạc chân chất; đôi khi đột biến độc đáo mới lạ, làm người đọc vẫn quen cái gì ngọt ngào, bỗng hứng khởi, thích thú vô cùng; tứ thơ “siêu dân dã mà trí tuệ”. Chẳng thế mà, nhiều bài thơ của Thanh Pôn đã đứng trong tuyển tập Thơ hay bên cạnh những nhà thơ lớn đương đại.

Tôi yêu thơ Thanh Pôn đậm những chất liệu dân dã, đôi khi còn nguyên sơ, những âm hưởng Khmer mang đến cho tôi những cảm thức mới lạ bất ngờ. Luồng tư duy thuận nghịch, dí dỏm rất dễ thương. Những tứ, từ, câu chải lang thang nhưng phù hợp với vần thơ và âm điệu… Ví dụ như “Sông quê ta. To nhỏ, rộng dài, nông sâu. Có lúc có mùa nó ngầu chảy. Đục trong cuộn xoáy quẫy phù sa. Trời đất sinh ra cứ thế nó tưng tửng dâng trào. Sông quê ta. Có lúc èng ơi! Nó nuôi cá tôm, chở tàu ghe đi viễn xứ… Có lúc phẳng phiu như gương mặt thiếu nữ. Có lúc nhăn nhó như mặt quỷ dữ… Nó vừa hiền, vừa ác, vừa dã man và cũng rất dễ thương đưa nước ngọt từ thượng nguồn về tưới xanh đồng ruộng lúa chín vàng ươm… Tôi nhảy ào xuống tắm triền miên. Bao mùa nắng hạ sướng như điên. Được đẫm giữa lòng con gái miền sông nước” (Sông quê ta) và còn nhiều bài thơ dạng như thế nữa…

Gặp Thanh Pôn đã ở tuổi về chiều (sinh 1940) lại có tứ thơ như thế thật độc đáo, thật đáng để đời thơ, tưởng chừng như cảm xúc tuổi thanh xuân, tấm lòng nhân hậu tha thiết thiện nguyện.

GS-TS LÊ SƠN

Tin cùng chuyên mục