
Để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc đã đầu tư nhưng không chịu vận hành. Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 29-11 cho thấy có đến 90% doanh nghiệp kiểm tra vi phạm Luật Bảo vệ
môi trường.
- Lờn thuốc

Nước thải trực tiếp từ nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng một đoạn kênh ở quận 6.
KCN Tân Tạo đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm. Nhưng từ đầu năm đến nay nhà máy hoạt động không ổn định do các doanh nghiệp không tuân thủ việc xử lý nước thải cục bộ tại nhà máy. Hiện vẫn còn 34 doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung và 22 doanh nghiệp báo cáo đã đấu nối nhưng rất có thể vẫn chưa thực hiện cần kiểm tra lại.
KCN Lê Minh Xuân đã đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm nhưng công suất vận hành thực tế trung bình chỉ 1.600m3/ngày đêm và hiện đang trong tình trạng quá tải. Ban quản lý khu công nghiệp đã nhắc nhở nhiều lần nhưng tại đây vẫn còn 51 doanh nghiệp không chịu đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung, thậm chí không chịu thanh toán tiền xử lý nước thải.
Không dừng lại, tại nhiều quận huyện, các đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng của các KCX-KCN khác, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường diễn ra rất phổ biến. Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, lỗi vi phạm của các doanh nghiệp phần lớn là không có giấy phép xả thải vào nguồn nước, khai thác nước ngầm bừa bãi, xả nước thải vào đường thoát nước mưa, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Trong số 48 mẫu nước thải đã qua xử lý, có đến 45 mẫu phân tích không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí phiếu thử nghiệm kết quả mẫu nước thải của Công ty Đế Lĩnh cho thấy nồng độ các chất như BOD là 354mg/l (vượt 7,1 lần), COD là 743mg/l (vượt 7,4 lần). Kiểm tra 48 giếng khoan thì cả 48 giếng đều không có giấy phép và chỉ có 3/23 doanh nghiệp thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…
- Nguyên nhân: quản lý chồng chéo
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cho biết, việc quản lý tình hình xả thải của các doanh nghiệp còn nhiều bất hợp lý. Có đến 3 cơ quan có thẩm quyền cấp phép quản lý việc xả thải của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xả thải vào hệ thống thủy lợi thì Sở NN-PTNT cấp giấy phép, Sở Giao thông công chính cấp cho những doanh nghiệp xả thải vào hệ thống thoát nước, còn những doanh nghiệp xả thải vào nguồn nước do Sở Tài nguyên-Môi trường cấp phép.
Tuy nhiên, việc phân định khu vực theo các khái niệm trên không rõ ràng nên vấn đề kiểm tra tình hình xả thải chồng chéo. Kết quả là “cha chung không ai khóc”. Nhưng cũng phải thừa nhận cách thức kiểm tra báo trước hiện nay không mang lại hiệu quả cao do doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị để đối phó.
Chu kỳ kiểm tra nhiều nhất chỉ 2 lần/doanh nghiệp/năm cộng với mức phạt quá thấp - từ 500 ngàn đồng đến 30 triệu đồng/lần vi phạm – không đủ sức răn đe. Từ đầu năm 2005 đến nay, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường đã kiểm tra và xử phạt gần 700 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, trong đó không ít doanh nghiệp từng vi phạm 2 đến 3 lần, nhưng vẫn chưa hạn chế được tình hình vi phạm xả thải.
Ông Phan Minh Tuấn cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất Chính phủ thống nhất giao việc cấp phép xả thải về một đầu mối. Ngoài ra, phải bổ sung thêm một số hình thức phạt như buộc doanh nghiệp vi phạm khắc phục lại hiện trạng đạt tiêu chuẩn quy định, truy thu tiền cho 1 năm không xử lý nước thải nếu phát hiện xả thải không xử lý...
Trong hội thảo về tài nguyên nước, ông Nguyễn Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, sẽ thành lập một lực lượng chuyên quản lý, thanh tra về những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, sẽ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước. Có như vậy mới ngăn chặn được những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp.
ÁI VÂN