(SGGPO).- Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận 2 cuộc thanh tra: về công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thực hiện quản lý đầu tư xây dựng một số dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2013 và công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm ở 2 địa phương này.
Lai Châu: Nhiều sai phạm trong đầu tư xây dựng
Kết luận thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thực hiện quản lý đầu tư xây dựng một số dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2013, TTCP nêu rõ, Lai Châu là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, giao thông đi lại không thuận lợi, kinh tế xã hội có nhiều khó khăn. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2013 của tỉnh Lai Châu được Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư phát triển từ các chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh… Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, số huyện, xã, phường đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao (70%). Tuy nhiên, từ năm 2006 đến năm 2013, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của thanh tra các bộ ngành, địa phương và kiểm toán Nhà nước về đầu tư xây dựng ở Lai Châu, đã phát hiện sai phạm với tổng số tiền hơn 46,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 20 tập thể và 46 cá nhân.
Riêng kết quả thanh tra của TTCP cho thấy, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém. Đơn cử như việc điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư diễn ra phổ biến, làm tăng tổng mức đầu tư từ 30 -100% ở một số dự án. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều sai sót, tiền trảm hậu tấu, cá biệt có dự án đã thi công đạt 80% khối lượng xây lắp nhưng chưa phê duyệt tổng dự toán công trình như dự án bệnh viện đa khoa tỉnh, dư án đường Pa Tần - Mường Tè… Công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu còn nhiều sai phạm, tỷ lệ gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế còn nhiều, đấu thầu không đúng quy định, một số gói thầu không lập tổ xét thầu; quản lý tiến độ dự án còn nhiều yếu kém, có tới 7/9 dự án được kiểm tra chậm tiến độ từ 2 - 4 năm. Công tác giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều sai phạm.
TTCP kết luận, tổng số tiền sai phạm qua thanh tra là hơn 9,3 tỷ đồng. Tổng số tiền gây lãng phí vốn đầu tư là 1,574 tỷ đồng. Dự án Hồ chứa nước Đông Pao đầu tư không hiệu quả là 11,8 tỷ đồng. TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lai Châu nghiêm túc rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của tỉnh giai đoạn 2006 - 2013. Về xử lý về kinh tế, TTCP kiến nghị tổng giảm trừ thanh, quyết toán đối với 4 dự án là 9,3 tỷ đồng.
Cao Bằng: Cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan
TTCP cũng công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và việc thực hiện của chính quyền địa phương. Kết luận chỉ rõ, còn có việc cấp phép tràn lan, nhất là trong giai đoạn 2008 - 2010. Việc tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư ở tỉnh thiếu chặt chẽ trong thẩm tra, thẩm định, nhất là giai đoạn 2009 - 2010, dẫn đến triển khai hiệu quả không cao. Thiếu kiểm tra, kiểm soát tổng thể hoạt động của dự án để có đánh giá về năng lực của các đơn vị, nhất là đối với các dự án triển khai chậm hoặc hiệu quả không cao để kịp thời chấn chỉnh, hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên của UBND tỉnh Cao Bằng chưa thể hiện rõ ràng là giá tối thiểu để tính thuế; chưa kịp thời điều chỉnh giá khi thị trường có biến động trên dưới 20% giá quy định. Tỉnh Cao Bằng còn chưa thực hiện công tác kiểm tra việc kê khai thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dẫn tới việc kê khai thiếu, không chính xác về giá bán quặng của doanh nghiệp trong một thời gian dài (2008 - 2012). Công tác thanh tra thuế đối với doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thuế giá trị gia tăng, chưa xem xét đầy đủ về thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến còn nhiều sai sót trong trong việc kê khai, nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, là một trong những nguyên nhân gây thất thu ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, tỉnh Cao Bằng đã để cho doanh nghiệp nợ đọng nghĩa vụ tài chính với số lượng lớn, với tổng số tiền gần 47 tỷ đồng. Cá biệt có đơn vị nợ đọng thuế thời gian dài mà chưa có biện pháp thu dứt điểm.
Từ những vi phạm, thiếu sót trong quản lý, khai thác khoáng sản, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức rà soát lại giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản, việc thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với các đơn vị chậm triển khai thực hiện để có biện pháp xử lý đúng quy định. Về xử lý kinh tế, TTCP đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng cần giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, tính toán lại giá tính thuế thực tế của các đơn vị khai thác tài nguyên để có cơ sở truy thu số thuế tài nguyên kê khai thiếu, nộp thiếu. Tiếp tục làm rõ những sai phạm của doanh nghiệp trong việc hạch toán những phần thu nhập không được miễn thuế thu nhập vào thu nhập được hưởng ưu đãi theo giấy chứng nhận đầu tư.
Đáng chú ý, TTCP cũng kiến nghị Bộ TN-MT cần sớm đề xuất sửa đổi Luật khoáng sản, theo hướng quy định chặt chẽ quy định về chuyển nhượng mỏ để ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp lớn có thương hiệu để xin cấp phép sau đó nhượng lại quyền thực hiện dự án.
LÂM NGUYÊN