Vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 26-2 vừa qua, trên đường Lê Thị Hà, huyện Hóc Môn, ô tô 7 chỗ 51A: 242.87 đã bất ngờ lao lên vỉa hè, đâm thẳng vào nhà số 1/24 Quang Trung. Nhà này là tiệm sửa chữa xe máy. Khi đó, trong tiệm có nhân viên tên Thịnh (20 tuổi) và anh Lợi đang sửa xe.
Do ô tô tông quá bất ngờ nên anh Thịnh không kịp tránh và bị ô tô cùng với lớp bê tông cửa sập đè tử vong. Anh Lợi may mắn thoát nạn. Quan sát hiện trường tai nạn chúng tôi thấy thành vỉa hè tại đây được xây vát, xuôi từ trên vỉa hè xuống đường. Với hình dáng này, thành vỉa hè hoàn toàn không có tác dụng làm giảm bớt tốc độ của xe trong trường hợp xe bất ngờ lao lên vỉa hè như vụ tai nạn nêu trên.
Tình tiết này làm chúng tôi nhớ tới một tranh luận cách nay gần 20 năm về chuyện xây dựng vỉa hè trên địa bàn TPHCM. Khi đó, TPHCM tiến hành cải tạo lại vỉa hè của nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. Lấy lý do, đại đa số người dân TPHCM sử dụng xe gắn máy, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM phải làm thành vỉa hè với hình vát để cho người đi xe gắn máy dễ dàng lên, xuống vỉa hè để vào nhà.
Cũng có những ý kiến cho rằng, thành vỉa hè phải vuông thành sắc cạnh để khi xe lưu thông trên đường bị mất thắng hoặc vì một lý do nào đó bất ngờ lao lên lề đường thì thành vuông của vỉa hè sẽ giúp làm giảm tốc độ xe, bảo vệ an toàn cho người đi đường. Những người có ý kiến như vậy đã viện dẫn vỉa hè vuông thành sắc cạnh, cao tới hơn 30cm so với mặt đường làm từ thời Pháp trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1)… để chứng minh là từ xa xưa, đã có tiêu chí này. Chưa có chuyên gia nào chính thức lên tiếng về điều này và chỉ biết rằng, sau đó TPHCM đã cho làm thành vỉa hè vát trên rất nhiều tuyến đường để cho người dân lên xuống dễ dàng. Thế nhưng cũng từ đó đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do xe mất thắng phóng lên vỉa hè đâm bị thương, thậm chí làm chết người… Có lẽ đã đến lúc ngành chức năng và các chuyên gia nên xem xét sâu hơn vấn đề này để đảm bảo an toàn cho người đi trên vỉa hè và sống ven đường.
NGUYỄN KHOA