Chiều 20-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp, chỉ đạo giải pháp triển khai và huy động nguồn vốn cho các dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên cơ sở rà soát, đánh giá chặt chẽ, Chính phủ sẽ xem xét bố trí, huy động các nguồn lực, tập trung cho các dự án cấp bách, có hiệu quả chống ngập cao cho khu vực TP.HCM.
Tình trạng ngập úng thường xuyên đang diễn ra ngày càng nặng trên diện rộng ở khu vực nội đô TP.HCM, cùng với lưu vực các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, vùng ảnh hưởng của hệ thống sông Vàm Cỏ.
Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu do mưa, thủy triều, lũ từ thượng nguồn đổ về, cộng với sự quá tải, xuống cấp của hệ thống tiêu thoát nước đô thị và tình trạng sụt lún đất nền.
Giải pháp chủ yếu hiện được áp dụng là dùng các công trình thủy lợi như đê, cống, kênh, hồ điều tiết, trạm bơm kết hợp để kiểm soát mực nước trên sông, kênh rạch, không để chảy tràn, gây ngập khu vực cần bảo vệ.
Danh mục dự án theo Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.
Đến nay, các cơ quan chức năng hoàn thành việc báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng, xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá, tính toán thủy văn thủy lực, tính toán hiệu ích kinh tế toàn vùng dự án.
Tổng mức vốn đầu tư theo tính toán cho các dự án thuộc quy hoạch khoảng 23.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các dự án đang gặp khó khăn lớn để thực hiện theo tiến độ đã đề ra.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá chặt chẽ, Chính phủ sẽ xem xét bố trí, huy động các nguồn lực để tập trung cho các dự án cấp bách, có hiệu quả chống ngập cao cho khu vực này.
Các cơ quan cũng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm phục vụ công tác quản lý, thiết kế, thi công. Khu vực TP.HCM cần tập trung làm tốt, làm trước một bước công tác GPMB, kết nối các dự án trong Quy hoạch với các công trình hạ tầng khác.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình cơ chế đặc thù để Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Trong đó, cơ chế bố trí, ưu tiên vốn cần phân loại cụ thể các dự án cấp bách và dài hạn.
Nguyên Linh (VGP)