Tính cả năm 2014, toàn TPHCM để xảy ra 80 vụ tranh chấp lao động tập thể. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp vẫn là doanh nghiệp (DN) nợ lương, thưởng, thiếu cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng ca quá nhiều, không ký HĐLĐ, không đóng BHXH...
Điểm đáng chú ý là tranh chấp lao động tập thể trong năm 2014 giảm về số vụ cũng như quy mô số lượt người lao động tham gia (giảm 16 vụ và giảm gần chục ngàn người tham gia so với năm 2013). Số DN để xảy ra tranh chấp lao động tập thể nhiều lần trong năm giảm so với năm 2013. Trong đó chỉ có 4 trường hợp có tranh chấp lao động tập thể hai lần diễn ra ở Công ty TNHH Thái Thuận - quận Thủ Đức, Công ty TNHH SMY Việt Nam - huyện Hóc Môn, Công ty TNHH Kiên Tường - quận Bình Tân và Công ty TNHH Alta Mode Việt Nam - quận 9.
Mừng vì kéo giảm được số lượt, số người nhưng lại không thể không lo khi mà tình hình tranh chấp lao động tập thể năm 2014 trên địa bàn TPHCM rõ ràng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó đáng lo nhất lại là việc tranh chấp do DN ngừng hoạt động, còn nợ lương và có chủ đã bỏ trốn không giải quyết chế độ cho người lao động vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, trong 80 vụ tranh chấp lao động, có 10 trường hợp DN ngừng hoạt động, chủ DN còn nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết là 1.167 người.
Để dịp tết, tranh chấp lao động không “đến hẹn lại lên”, TPHCM cần phải giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết cho được tận gốc rễ tình trạng DN nợ, cố tình trốn đóng BHXH kéo dài; DN nợ lương người lao động, chủ bỏ trốn… mà hiện nay vẫn còn vướng víu quy định; chủ động cơ chế phối hợp giải quyết nợ lương và giám sát, thanh tra các DN trong trường hợp chủ DN nợ lương, có dấu hiệu cố tình trốn tránh để chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân lao động. Đồng thời phải vận hành có hiệu quả hơn cơ chế tự thương lượng giải quyết khi phát sinh bất đồng. Trên thực tế, các bên trong quan hệ lao động tại một số DN (chủ DN và tập thể người lao động) có quan hệ lao động phức tạp chưa quan tâm đến cơ chế hỗ trợ thương lượng, hòa giải của hòa giải viên lao động; vai trò chủ động hỗ trợ đối thoại, thương lượng giải quyết tranh chấp của công đoàn cấp trên cơ sở với công đoàn cơ sở và với tập thể người lao động tại các DN chưa thành lập tổ chức công đoàn… còn quá nhiều hạn chế.
Trong năm vẫn còn nhiều vụ tranh chấp lao động xảy ra với những nội dung hoàn toàn có thể thương lượng giải quyết ngay tại thời điểm phát sinh, nhưng cơ chế thương lượng, đối thoại không được vận hành, chỉ đến khi tập thể người lao động ngừng việc gây áp lực thì hai bên mới tiến hành quá trình trao đổi, thương lượng, giải quyết nhưng cũng đã góp phần gây bất ổn quan hệ lao động trên địa bàn TP.
HỒNG HIỆP