Hàng loạt công trình cầu đường vừa đưa vào sử dụng không chỉ mở ra hướng giao thông mới mà còn rút ngắn thời gian đi lại giữa các quận - huyện ở TPHCM; quan trọng hơn, đó là kéo giảm ùn tắc giao thông cho nhiều khu vực.
Xóa “vùng trắng giao thông”
Một trong những công trình tiêu biểu là dự án cầu Rạch Chiếc 2, nhờ cây cầu này mà “vùng trắng” về giao thông phía Đông nay đã thông nhiều tuyến đường. Trong đó, tuyến đường quan trọng nhất là đường Vành đai Đông (Vành đai 2) bị tê liệt nhiều năm qua, nay đã kết nối toàn bộ khu vực, giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông TPHCM. Tuyến đường này đã mở ra hướng giao thông mới giúp giảm lượng xe vào các quận trung tâm. Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (đơn vị chủ đầu tư xây dựng cầu), cho biết trước mắt các loại xe từ hướng cảng Cát Lái lên được đi trên đường Vành đai Đông qua cầu Rạch Chiếc mới theo đường D1, D2 của Khu công nghệ cao để ra xa lộ Hà Nội và ngược lại.
Tương tự, tuyến đường Phạm Văn Đồng (đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) đã cơ bản hoàn thành đoạn cuối, kết nối toàn bộ dự án. Từ nay, TPHCM có thêm một tuyến đường quan trọng nối từ quốc lộ 1, quận Thủ Đức đến thẳng sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cả một khu vực rộng lớn từ quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Tuyến đường rộng 60m với 12 làn xe được phân làn, phân luồng hoàn chỉnh, giúp giải tỏa áp lực giao thông một cách thông suốt với các tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng thời góp phần mở ra diện mạo hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại. Nhất là điều kiện sống người dân hai bên đường nâng lên rõ rệt. Tuyến đường đưa vào khai thác đảm nhận khoảng 60% lưu lượng xe lưu thông, giữ vai trò rất lớn trong việc giảm tắc nghẽn giao thông trong khu vực.
Đường Mai Chí Thọ nối cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội đến trung tâm TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Không chỉ công trình trên, thời gian qua, TPHCM đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm đã giải quyết cơ bản những điểm kẹt xe kinh niên như cầu vượt ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh, vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương (quận 10), ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), bùng binh Cây Gõ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6)... Ngoài ra, dự án đường Trần Văn Giàu dài 13,7km, đầu tuyến giáp đường Tên Lửa (quận Bình Tân), rộng 14,5 - 45,5m, đáp ứng 6 làn xe, cuối tuyến giáp đường Tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh) và tiếp giáp tỉnh Long An. Đường Trần Văn Giàu đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông kết nối giữa TPHCM với Long An. Qua đó giúp khai thác hiệu quả các khu công nghiệp (KCN) trong khu vực như KCN Tân Tạo, KCN An Hạ, KCN Pouyuen, KCN Lê Minh Xuân..., đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa bàn phía Tây thành phố.
Giải quyết ùn tắc bằng cầu vượt, hầm chui
Để các dòng xe tải nặng lưu thông thông suốt ở khu vực phía Đông TPHCM, giảm áp lực vào khu trung tâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới, sở sẽ khẩn trương nâng cấp đoạn Vành đai Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc 2 dài 5,5km, do đoạn này đưa vào sử dụng từ năm 2013 hiện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Hiện tại đoạn này chỉ là đường song hành hai bên (lõi giữa để trống), mỗi bên mặt đường rộng khoảng 7,5m, sắp tới sẽ được đầu tư mở rộng lên thành 10,5m cho 3 làn xe mỗi chiều. Khi đó sẽ đáp ứng được lượng xe tải nặng tăng cao từ miền Tây, cảng Cát Lái đi và về qua Khu công nghệ cao để ra thẳng xa lộ Hà Nội.
Ngoài ra, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại các giao lộ ở các quận nội thành, sở đang hoàn chỉnh phương án xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui tại các giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà và các khu vực lân cận; cải tạo nút giao Lăng Cha Cả, cải tạo kích thước hình học tại các giao lộ. Bên cạnh đó, sở sẽ đề xuất thành phố tiếp tục xây dựng thêm nhiều cầu vượt tại những khu vực thường xuyên ùn tắc để mở rộng thêm đường cho lưu thông. Hiện sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng 7 cây cầu vượt dành cho người đi bộ, đó là các vị trí: trước cổng trường Hồng Hà (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp), đường Kinh Dương Vương (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), khu vực Lottemart - Đại học Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), trước Bến xe An Sương (quốc lộ 22, quận 12)... Ngoài ra, TPHCM cũng dự kiến xây cầu vượt cho xe máy tại các ngã tư Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa trên đường Võ Thị Sáu. Trên đường 3 Tháng 2, xây cầu vượt hai chiều cho xe máy và ô tô tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương, Lê Đại Hành, Lãnh Binh Thăng…
| |
QUỐC HÙNG