Xóm Bom, một địa danh nằm bên con đường trải nhựa mang tên anh hùng liệt nữ Võ Thị Sáu thuộc khu phố 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cơ sở Yến Nhi ra đời từ cái xóm Bom ấy. Bây giờ tuy đã làm ăn khấm khá và sản xuất ổn định, nhưng nhắc lại chuyện xưa, chị Phạm Thị Sơn, chủ doanh nghiệp Yến Nhi, vẫn rưng rưng nước mắt.
Thoát nghèo
Chị Yến Nhi kể lại, thuở xưa nhà chị nghèo lắm, lại đông anh em. Lúc nhỏ, hàng ngày chị theo gánh ve chai phụ má. Hai má con ròng rã trên đường, nhưng bữa trưa chỉ có 2 miếng tàu hũ chấm muối ăn thay cơm. Khởi nghiệp, chỉ từ “cái chòi nhỏ” với những người trong gia đình và những mẻ kẹo cu-đơ, một loại kẹo gồm đậu phộng trộn đường kẹp giữa hai lớp bánh tráng phồng. Hàng ngày chị phải đi cả chục cây số để giao hàng trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Hôm nào bán được vài chục phong kẹo là mừng lắm rồi. Có hôm, không bán được phải nhịn đói ăn kẹo thay cơm. Chị nhẫn nại tìm đến những vùng xa, những nơi chợ nhỏ nên bạn hàng cứ nhiều thêm. Có nhiều mối hàng, chị nhận thêm vài ba người phụ làm. Theo thời gian và công sức gầy dựng, cơ ngơi dần lớn lên. Từ cuộc đời nghèo khó, thấu hiểu cảnh cơ cực đã giúp chị có ý chí vượt qua mọi gian khổ, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, doanh nghiệp Yến Nhi đã có nhà xưởng khang trang với hơn trăm công nhân, lương bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Giúp người
Nếm trải cảnh đời nghèo khó thuở hàn vi nên chị Phạm Thị Sơn luôn cảm thông chia sẻ với những mảnh đời không may mắn. Doanh nghiệp Yến Nhi của chị đã nhận gần chục người có hoàn cảnh rất đặc biệt vào làm. Đó là những thanh niên thất học, không nghề nghiệp mưu sinh. Thậm chí có cả người bị khiếm thính và người có khiếm khuyết một phần trên cơ thể cũng được chị cưu mang giúp đỡ. Để giúp họ tự tin bước vào đời và xóa đi vùng tối của người mù chữ, nữ doanh nhân Yến Nhi đã sáng đèn mỗi đêm làm thầy dạy chữ cho họ.
Với cậu thanh niên Trần Trọng Đức, khiếm thính lại mù chữ, chị vừa dạy học vừa cầm tay chỉ việc cho em. Còn người khiếm khuyết về cơ thể, chị sắp xếp làm ở bộ phận lựa hạt điều phù hợp với họ. Thương người như thể thương thân. Dù cuộc mưu sinh như dòng chảy cuồn cuộn với bộn bề công việc nhưng chị vẫn chắt chiu thời gian và đồng tiền có được giúp đỡ, chia sẻ bao cảnh đời bất hạnh. Đối với người ở xa, thiếu phương tiện đi lại và nghèo khó, chị xuất tiền cho mượn. Anh Phạm Thanh Hiền thất nghiệp, nợ nần, rơi vào cảnh khốn khó. Chị mở lòng nhận anh Hiền vào làm. Đến khi anh lập gia đình, chị Sơn đứng ra lo tổ chức đám cưới đem hạnh phúc đến cho họ. Nay vợ chồng anh Hiền đã có một mái nhà ấm êm với niềm vui bên hai đứa con ngoan. San sẻ hạnh phúc của mình cho người khác, chính chị cũng học được ý chí vươn lên của những người thiếu may mắn trong cuộc đời này. Chị đã gieo hạt nắng tình thương thắp sáng những cuộc đời tưởng như tắt nắng. Sự yêu thương cho đi, niềm hạnh phúc nhận lại. Đó là vòng tròn nhân ái. Chị luôn mở lòng giúp đỡ các phong trào từ thiện của địa phương hoặc cảnh đời cơ nhỡ. Nơi đây như một cái nôi nhân ái nuôi dưỡng mầm hạnh phúc cho nhiều người thiếu may mắn.
Nhiều người biết đến doanh nghiệp Yến Nhi từ hương thơm lan tỏa của tấm lòng nhân ái. Nhưng ít ai ngờ đến, sản phẩm kẹo “Yến Nhi” đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Á, Âu và Mỹ. Một số Việt kiều khi về nước đã tìm đến cơ sở Yến Nhi để tận mắt nhìn thấy “con én nhỏ” Việt Nam đã bay cao vươn xa. Mọi người cảm phục tấm lòng nhân hậu của một nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái.
VŨ ĐỨC VINH