Thấp thoáng dáng xuân

Thấp thoáng dáng xuân

1. Cứ sau mùa nhạc Giáng sinh, từ cửa hàng băng đĩa đến quán cà phê ở Sài Gòn lại vang lên những khúc nhạc mừng xuân. Dáng xuân đã thấp thoáng trên tờ lịch mới, trên màu vàng hoa mai, màu đỏ của phong bao lì xì… và trên gương mặt người Sài Gòn háo hức niềm vui.

Thấp thoáng dáng xuân ảnh 1

Mùa xuân đến sớm trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: N.N.PHƯƠNG.

Sài Gòn hội tụ nhiều người mưu sinh nên không khí Tết đã sớm chộn rộn từ tháng 11 Âm lịch với chuyện vé tàu về quê. Năm nào ga Sài Gòn cũng quá tải và chuyện “cháy” vé tàu mùa Tết “đến hẹn lại lên” làm tốn hao giấy mực báo chí.

Và đây cũng là đề tài “thời sự” ở các khu nhà trọ có đông công nhân. Những người xa nhà lo Tết sớm hơn, từ chuyện xe tàu tới chuyện quà Tết cho người thân. Câu chuyện những ngày cuối năm của họ là sự tính toán làm sao để được vui trọn vẹn cùng người thân sau một năm miệt mài lao động.

Họ không có nhiều tiền để mua sắm “cái rụp” mà dành dụm mua sắm dần dần từ nhiều tháng trước, lúc hộp trà cho ba, khi cái áo mới cho mẹ, gói bánh cho em, để dành đó đợi ngày về. Dáng xuân ở những khu nhà trọ mang nhiều màu lo toan, tâm trạng, sẻ chia… hơn là thuần túy háo hức, vui tươi…

2. Không khí Tết nhất ở Sài Gòn dường như đến sớm hơn mọi miền đất nước. Khi những cây hoàng mai miệt An Phú Đông hay Thủ Đức vừa chớm nụ thì trên các ngả đường Sài Gòn đã rực rỡ hoa mai, hoa đào bằng vải, nhuộm đủ màu, đủ sắc… Các cửa hàng, siêu thị bắt đầu trang trí mừng năm mới cùng với đợt khuyến mãi bán hàng Tết.

Nhịp điệu bán mua ở các chợ đầu mối nóng dần lên, chuẩn bị đợt hàng Tết cho các thương lái ra miền Trung, về miền Tây… Đường phố Sài Gòn vẫn sôi động nhịp sống thường nhật nhưng trong câu chuyện bên ly cà phê sáng, trong bữa nhậu cuối tuần, người ta đã bàn đến chuyện ăn Tết. Câu nói “nhà giàu ăn Tết sớm” có vẻ không còn phù hợp mấy với người Sài Gòn bởi cuộc sống đã đổi thay nhiều và tính cách người Sài Gòn vốn hào sảng, thoải mái, ít khi câu nệ.

Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cuối năm luôn tấp nập bà con đến đón Việt kiều từ xa về quê ăn Tết. Một người về, năm-bảy người đón. Cảnh tượng đón chào ấy có lẽ chỉ có ở xứ mình mà Sài Gòn là một đại diện. Những gia đình Sài Gòn có người thân về đón Tết thường ăn Tết sớm bằng tiệc tùng, thăm thú đó đây, cúng chùa, cúng miễu v.v… kéo dài có khi tới rằm tháng giêng!

3. Những ngày cuối năm, tôi thường rong xe qua các phố để được ngắm nhìn dáng xuân thấp thoáng trong nhịp sống và trên gương mặt người Sài Gòn. Bao giờ cái không khí rộn ràng ấy cũng làm tôi quay quắt nhớ Huế quê nhà.

Tôi chợt thèm những sợi mưa đan lành lạnh ngày cuối đông ở hội hoa xuân Thương Bạc, thèm một chút âm nhạc dịu dàng nơi quán cà phê Vông Vang trong cửa Thượng Tứ… Và đây, trong nắng ấm phương Nam, giữa những ồn ào, háo hức của bao người, tôi lại thèm một mùa xuân Sài Gòn như trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay.

Có mùa thu nào đang ở lại. Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối. Kết hoa vàng tươi cho lộng lẫy đời”…

…Và lộng lẫy người. Sài Gòn đã thấp thoáng dáng xuân!

NGUYỄN NAM PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục