Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 16 là đạt 4-6 HCV. Tính đến thời điểm này, có thể nói, chúng ta đã không hoàn thành chỉ tiêu. Đã có lúc, tưởng chừng như vàng đã nằm trong tay như ở môn cờ vua, bắn súng hay wushu nhưng “cơn khát vàng” vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
Thiếu cẩn trọng
Xét trên tổng thể, đây là kỳ đại hội không thành công của đoàn thể thao Việt Nam khi mục tiêu vàng tại Asiad không đạt được dù chúng ta đã tung ra lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay. Có những môn, chúng ta bị loại ngay từ vòng đầu tiên cho dù đối thủ của chúng ta không phải là các đoàn mạnh.
Như ở môn Judo, chỉ có 2 võ sĩ vượt qua trận đầu tiên, số còn lại bị loại ngay từ vòng đầu. Môn cầu mây, đội nữ Việt Nam ở nội dung Regu thua Indonesia, đội chưa bao giờ thắng chúng ta hơn chục năm nay. Thất bại đáng tiếc ấy buộc chúng ta phải đối đầu với Thái Lan (mạnh nhất ở môn này) ngay tại bán kết thay vì trận chung kết.
“Đau” nhất vẫn là trận chung kết môn Taekwondo ở hạng cân dưới 53kg khi Hoài Thu gặp đối thủ đến từ Thái Lan và đã dẫn trước 3-1 khi gần kết thúc trận đấu. Chỉ một chút lơ là, chị đã bị đối phương phản đòn và để tuột mất chiếc HCV gần như nằm trong tầm tay. Hạng cân dưới 53kg thường có trong chương trình thi đấu Olympic và tại Bắc Kinh 2008, một VĐV Thái Lan đã vào đến trận chung kết.
Ở Olympic 2000, Trần Hiếu Ngân từng đoạt HCB hạng cân 57kg (HCB đầu tiên tại một kỳ Thế vận hội của Việt Nam). Nói cách khác, trận chung kết của Hoài Thu cần được tập trung tinh thần nhất, vậy mà chị để thua chỉ vì một chút lơ là.
Ngoài chuyện vuột vàng phút cuối ở môn Taekwondo, cờ vua, điều đáng nói là đa số thành tích của các VĐV kém hơn cả khi tập luyện dù “vượt qua chính mình” là mục tiêu lớn nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục. Thậm chí ở môn bơi lội, Nguyễn Hữu Việt còn trượt chân ở bục xuất phát. Trong thể thao, thành - bại chỉ đến trong 1-2 giây cực ngắn. Những sai sót như vậy không thể nói là do thiếu may mắn được vì đâu còn cơ hội để sửa sai.
Đã có không ít tiếng thở dài về khả năng đánh giá của lãnh đạo đoàn Việt Nam tại Asiad lần này. Do quá chờ đợi HCV, chúng ta tự dưng phải dàn trải sự tập trung thay vì có những tính toán dồn toàn bộ việc chỉ đạo vào các thời điểm quyết định.
Trận chung kết Taekwondo là một ví dụ hay việc Lê Quang Liêm không chủ động đánh hòa với VĐV người Uzbekistan ở trận đối đầu trực tiếp dù đây là kỳ thủ có hệ số Elo ngang với Quang Liêm, đồng nghĩa cũng là đối thủ chính. Hơn nữa, 2 kỳ thủ này gặp nhau ở vòng 7, khi đó Liêm đang hơn đối thủ 1 điểm và chỉ còn 2 vòng nữa là kết thúc. Vì thua nên nếu thắng 2 trận cuối và bằng điểm thì Liêm vẫn chỉ đoạt HCB.
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam không ngần ngại cho rằng thất bại của thể thao Việt Nam tính đến thời điểm này có một phần nguyên nhân từ công tác chỉ đạo.
Những niềm hy vọng
Không hoàn thành mục tiêu vàng nhưng đứng ở góc độ phát triển của cả nền thể thao nói chung, mọi việc không đến mức quá bi quan. Do đây là kỳ đại hội tổ chức tại Trung Quốc, cường quốc mạnh nhất châu Á về thể thao, nên có rất nhiều đoàn mạnh cũng sẽ không hoàn thành mục tiêu HCV.
Tính đến thời điểm này, cả làng thể thao Đông Nam Á đều không đạt chỉ tiêu. Công bằng mà nói, mất HCV như vậy cũng không hẳn là điều quá nặng nề mà cần phải ghi nhận những nét tiến bộ đáng nhớ của thể thao Việt Nam.
Chiếc HCB nội dung đôi 2 mái chèo môn Rowing của Phạm Thị Thảo - Phạm Thi Huệ là thành tích đáng tự hào. Ngoài việc đây là chiếc HCB Rowing đầu tiên của Việt Nam tại Asiad, nội dung này cũng có trong chương trình thi đấu Olympic. Thành tích của đôi Việt Nam chỉ kém đôi Trung Quốc 10 giây trong khi thành tích của đôi VĐV nước chủ nhà còn nhanh hơn cả HCV Olympic Bắc Kinh 2008 đến 2 giây.
Hay ở môn cầu lông, lần đầu tiên VĐV Việt Nam vào tứ kết. Với thành tích đó, Nguyễn Tiến Minh vẫn khẳng định anh xứng đáng có mặt trong top 10 thế giới. Chúng ta cũng có quyền hài lòng với môn Taekwondo, môn thi đấu Olympic do châu Á thống trị.
VIỆT QUANG